Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

MÔI TRƯỜNG

Quản lý các nguồn nước ngọt của thế giới : thách thức đối với nhân loại

 Thanh Hà

Bài đăng ngày 04/09/2008 Cập nhật lần cuối ngày 04/09/2008 15:23 TU

Hạn hán

Hạn hán

Nước ngọt không còn là một nguồn tài nguyên vô tận khi mà dân số trên địa cầu ngày càng đông, nước ngọt và sạch thì ngày thêm khan hiếm : « một thách thức lớn trong tương lai gần nhưng lại cần được giải quyết cấp bách ngay từ hôm nay »

« Tổng thống Pháp công du Damas : thắng lợi chính trị và ngoại giao của lãnh đạo Syrie ». Đại hội đảng cộng hòa ở thành phố St Paul, bang Minnesota sắp đến hồi kết : « John McCaine và Sarah Palin chính thức đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ » Thưa quý thính giả và các bạn trên đây là hai đề tài chính thu hút tất cả các tờ báo Paris trong ngày.

Nước ngọt : nhu cầu quản lý cấp bách

Tuy nhiên tờ Le Monde chú ý hơn cả đến một cuộc hội thảo quốc tế về nước ngọt : « một thách thức lớn trong tương lai gần nhưng lại cần được giải quyết cấp bách ngay từ hôm nay »

Từ lâu nay nhân loại vẫn xem nước ngọt là một nguồn tài nguyên vô tận và dễ khai thác. Thời kỳ vàng son ấy đã đi qua. Trên đây là nhận xét không khoan nhượng của chủ tịch hiệp hội quốc tế IWRA chuyên bảo vệ các nguồn nước ngọt thế giới. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ : dân số trên địa cầu ngày càng đông, trong khi nước ngọt và sạch thì ngày thêm khan hiếm

Le Monde nhắc lại một số nguyên nhân đang khiến nước trở thành mộ thách thức đối với con người. Lý do thứ nhất là trái đất bị hâm nóng, khiến nước ở các sông ngòi bốc hơi nhanh hơn so với trước ; những giọt nước mưa cũng trở nên khan hiếm hơn. Yếu tố thứ nhì là chính sách phát triển đô thị, ngành công nghiệp và nông nghiệp trên toàn thế giới ngày càng lớn mạnh. Thế nhưng hệ thống xử lý các nguồn nước thải ở khắp mọi nơi, kể cả ở những nước phát triển nhất, còn rất lỏng lẻo.

Trong bối cảnh 70% lượng nước ngọt được dùng cho nông nghiệp ; con  người ngày càng thiên về các nguồn thủy điện ; các trung tâm điện lực hạt nhân có nhu cầu xử dụng nước rất lớn … việc quản lý các nguồn nước sạch, và nước ngọt quả thực đang trở thành một vấn đề đau đầu và cần phải được giải quyết một cách có hệ thống.

Hội thảo Montpellier lần này nhấn mạnh đến một sự phối hợp hành động ở mọi nấc thang quyền lực : từ trung ương đến các cơ quan địa phương, và nhất là nơi người tiêu dùng. 

Chính sách đàn áp tôn giáo của Việt Nam 

Nhìn đến phần thời sự Á châu, nhật báo tài chính The Wall Street Journal của Mỹ có bài viết mang tựa đề «Chính sách đàn áp tôn giáo của Việt Nam » :

« Trong tháng này bộ ngoại giao Hoa Kỳ sẽ công bố một bản báo cáo thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới. Với những biến cố xảy ra gần đây tại Việt Nam, có lẽ quốc gia này không được đánh giá tích cực ». Bài viết của tờ báo mở đầu như trên. The Wall Street Journal trình bày với độc giả về vụ tranh chấp đất đai ở Thái Hà, nhiều giáo dân bị công an Việt Nam đánh đập trong lúc họ chỉ tập hợp để cầu nguyện một cách ôn hòa. Trong bối cảnh như trên, nhật báo tài chính Mỹ kêu gọi bộ ngoại giao Hoa Kỳ nên đưa trở lại Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan ngại về tự do tôn giáo.

Xin nhắc lại là Việt Nam đã có tên trong danh sách nói trên lần đầu tiên vào năm 2004. Đến năm 2006, trước khi tổng thống Bush đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh APEC, Việt Nam đã được rút tên ra khỏi danh sách này.

Ngày tàn của chính phủ Samak gần kề 

Nhìn đến thời sự rối ren ở Thái Lan : theo quan điểm của tờ The Nation xem việc ngoại trưởng Tej Bunnag đệ đơn từ chức vào hôm qua là một dấu hiệu mới cho thấy « ngày tàn của chính phủ Samak đang cận kề ».

Ông Bunnag trụ được ở chiếc ghế ngoại trưởng tổng cộng 40 ngày. Trước đây ông từng là cố vấn và thư ký riêng của quốc vương Thái. Hơn nữa chính thủ tướng Samak đã van xin quốc vương Bhumibol cho phép Tej Bunnag tham gia nội các nhằm lấy lại uy tín cho một chính quyền đang bị khủng hoảng.

Nhật Bản có hy vọng đưa một phủ nữ vào chức vụ thủ tướng hay không ?

Vẫn tại Châu Á : vào lúc mà thế giới chú ý nhiều đến nhân vật Taro Aso người được coi là có nhiều khả năng thay thế ông Fukuda ở chức vụ thủ tướng Nhật Bản, báo cộng sản L'Humanité nêu lên câu hỏi « Biết đâu, một phụ nữ lại đứng đầu nội các Xứ hoa anh đào ? »

Trên nguyên tắc bà Yuriko Koike 56 tuổi cũng sẽ lao vào cuộc chạy đua để tranh chức vụ thủ tướng. Xuất thân là người giới thiệu chương trình trên đài truyền hình, tốt nghiệp đại học Cairo, Ai Cập về xã hội học ; nói thông thạo Anh ngữ và tiếng Ả rập bà Koike từng được chỉ định làm bộ trưởng từ năm 2003 đến 2006 ;  rồi bà đảm nhiệm chức vụ cố vấn đặc trách an ninh quốc gia, bộ trưởng quốc phòng trong nội các Shinzo Abe năm 2007. Theo L'Humanité : bà Koike ít có khả năng trở thành thủ tướng tương lai của nước Nhật và điều đó chứng tỏ quan cảnh chính trị của Xứ Phù Tang còn khép kín đối với nữ giới 

Cindy McCain là ai ?

Cindy McCain

Cindy McCain

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hai tờ báo Le Monde và Libération cùng chú ý đến bà Cindy McCain vợ ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa.

Trong gia đình McCain, « Cindy là trụ cột »  tựa của  Le Monde. Tờ báo  phác họa chân dung một phụ nữ yếu đuối về thể chất, tựa như vóc dáng mảnh mai đài các của bà. Thế nhưng sự nghiệp chính trị mà ngày nay John McCain có được là nhờ vào nghị lực của Cindy. Còn Libération không ngần ngại cho rằng gia tài của Cindy cũng là một yếu tố không thể thiếu được trên con đường sự nghiệp của ông McCain. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, trẻ hơn chồng đến gần 20 tuổi thế nhưng nhờ bà mà cặp vợ chồng McCain làm chủ đến cả hơn một chục dinh thự rải rác ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Hình ảnh sang trọng của Cindy McCain xa cách hẳn với mô hình của một gia đình người Mỹ trung bình như ấn tượng mà bà vợ ứng cử viên Barack Obama để lại trong lòng cử tri.

Paris-Damas

Về chuyến công du Syrie trong hai ngày của tổng thống Pháp, Le Monde đăng bức hí họa cho thấy ông Sarkozy hớn hở bắt tay tổng thống Syrie và nói « tôi đại diện cho nước Pháp, cho Châu Âu » Còn ông Al Assad thì đứng nguyên tại chỗ, bắt tay tổng thống Pháp nhưng ông nói « chúng tôi đang chờ đón Hoa Kỳ »

Le Figaro thân chính phủ nhấn mạnh : ông Sarkozy đến Syrie để tạo trọng lượng của Pháp trong tiến trình tìm kiếm hòa bình ở Cận đông. Tuy nhiên những bất đồng giữa Paris và Damas vẫn tồn tại. Libération tập trung nói về kết quả mà tổng thống Pháp mong muốn gặt hái qua chuyến công du lần này. Thứ nhất là Paris muốn có tiếng nói trực tiếp trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Syrie. Thứ hai là ông Sarkozy muốn Damas thuyết phục đồng minh Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ở điểm này, Libération khẳng định : « tổng thống Syrie đă tặng cho đồng nhiệm Pháp một gáo nước lạnh »

Khả năng tham quan sao Hỏa ?

Trong lĩnh vực khoa học Le Figaro nêu lên câu hỏi : liệu con người có đủ sức thám hiểm sao Hỏa hay không ? Hành trình khứ hồi từ trái đất của chúng ta lên đến sao Hỏa phải mất ba năm. Trong suốt thời gian đó khách du lịch liệu có điều kiện sức khỏe và đủ kiên nhẫn để sống trong một chiếc phi thuyền như một chiếc hộp đóng kín hay không ? Sở dĩ Le Figaro nêu lên câu hỏi này là do cơ quan không gia Nasa của Hoa Kỳ đang có kế hoạch đưa chuyên gia lên thám hiểm sao Hỏa vào năm 2037.