Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

HOA KỲ

Vì sao Wall Street lại chọn ủng hộ ông Obama?

 Thanh Thủy

Bài đăng ngày 31/10/2008 Cập nhật lần cuối ngày 31/10/2008 17:30 TU

Tờ Les Echos tự hỏi bằng cách nào mà ông Obama lại được giới tài chính xem như là người sẽ bảo đảm tốt nhất việc giải cứu cho Wall Street trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ lại bị khủng hoảng nghiêm trọng như vậy từ năm 1929

Cuộc bầu cử tổng thống lần này ở Hoa Kỳ diễn ra vào lúc mà một cuộc khủng hoảng tài chính đang đè nặng lên nền kinh tế thế giới. Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay tìm hiểu tại sao Wall Street, trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới, lại ủng hộ ứng cử viên dân chủ, Barack Obama, một người mà dư luận Mỹ đánh giá là có những tư tưởng thiên tả.

Câu trả lời đầu tiên đến từ ông Felix Rotahyn, cựu đại sứ Mỹ tại Pháp từ năm 1997 đến năm 2000, người đã từng cộng tác với nhiều ngân hàng thương mại. Theo ông Rotahyn, ứng cử viên Cộng hoà McCain không cho giới kinh tế tài chính có cảm giác là ông kiểm soát tình hình. Thêm vào đó là việc ông chọn bà Sarah Palin đứng cùng liên danh để làm phó tổng thống. Ngược lại ông Barack Obama đã tỏ ra khôn ngoan trong việc tuyển chọn một êkíp cộng tác viên gồm những tay cự phách trong lĩnh vực kinh tế. Nhất là ông Obama lại nhận được sự ủng hộ của tỷ phú Warren Buffet, nhà đầu tư lớn nhất ở Hoa Kỳ.

Điều mà tờ Les Echos chú ý đặc biệt là ông Obama đã thành công trong việc đặt chiếc cầu nối giữa giới tài chính ở Wall Street, giới chuyên viên kỹ thuật ở Silicon Valley và giới sân khấu điện ảnh ở Hollywood.

Ông Obama thấy được tầm quan trọng của thị trường tài chính.

Còn đối với ông Roman Frydman, giáo sư kinh tế ở trường đại học New York « người duy nhất có thể cứu vớt Wall Street là ông Obama, vì ông này thấy được tầm quan trọng của các thị trường tài chính, và ông hiểu được sự cần thiết phải có hành động can thiệp của chính phủ. Trong khi đó, cách tiếp cận vấn đề của ông McCain loại bỏ mọi sự can thiệp của Nhà nước và vẫn còn quá giáo điều ».

Les Echos nhắc lại là ông Obama đã từng giảng dạy luật hiến pháp trong 12 năm tại trường đại học Chicago, nơi mà các nhà kinh tế của chủ thuyết tự do kinh tế, những Chicago boys, đã trị vì trong một thời gian dài dưới sự bảo trợ của Milton Friedman, ông trùm của chủ thuyết này.

Ngoài ra trong số các nhà hảo tâm đã chi tiền cho cuộc vận động của ông Obama, bên cạnh các ông Warren Buffet và George Soros, còn có ông Robert Wolf, chủ nhân của UBS Americas, người đã giữ vai trò chủ chốt trong chiến dịch quyên góp tiền cho ông Obama mà quỹ vận động tranh cử gần đây đã đạt mức kỷ lục 660 triệu đôla. Trong khi đó quỹ vận động cho ông McCain đạt được 400 triệu đola.

Ông Obama ủng hộ kế hoạch của ông Henry Paulson.

Một điểm tích cực khác của ông Obama là ông này đã phản ứng nhanh chóng và khéo léo hơn đối thủ McCain, khi ông tuyên bố ủng hộ kế hoạch cứu nguy ngành tài chính Mỹ do bộ trưởng tài chính Henry Paulson đề nghị. Còn ông McCain thì thay đổi lập trường nhiều lần.

Nhưng điều nghịch lý là cương lĩnh của hai ứng cử viên trong lĩnh vực kinh tế không hoàn toàn đối nghịch nhau.

Cũng trên tờ Les Echos một bài phân tích của nhà bình luận kinh tế, Jean-Marc Vittori, nhắn với chúng ta là không nên mất thì giờ tìm hiểu chương trình hành động của các ứng cử viên. Ông nhắc lại là năm 1932 Franklin Roosevelt đã đắc cử tổng thống với lời hứa hẹn là sẽ giảm 25% các chi tiêu của Nhà nước. Thế nhưng, một khi thắng cử, ông đã hành động hoàn toàn trái ngược lại.

Thất nghiệp kéo dài vì khủng hoảng kéo dài.                     

Một trong những hậu quả trước mắt của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới là nạn thất nghiệp, và tờ Libération, bi quan, đã nhấn mạnh trong hàng tựa trên trang nhất rằng nạn thất nghiệp sẽ kéo dài vì cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài. Riêng tại Pháp, số người thất nghiệp trong tháng 8 tăng thêm 40 ngàn, và trong tháng 9 tăng tám ngàn. Người ta chờ đợi là trong quý 3, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp sẽ cao hơn tỷ lệ 7,2% của quý 2, mức cao nhất từ 25 năm qua.

Trích dẫn một bài nghiên cứu của Insee, Viện thống kê Pháp, Libération đưa tin là tỷ lệ người nhập cư bị thất nghiệp là hơn 15%.

Trong khi đó theo tờ báo cộng sản L’Humanité, ông Bernard Thibault, lãnh đạo công đoàn CGT, một trong hai công đoàn lớn nhất ở Pháp, lên án các chủ nhân doanh nghiệp, đã lợi dụng cuộc khủng hoảng để vạch ra những kế hoạch sa thải nhân viên, nhất là các doanh nghiệp đó đang làm ăn có lời. Như là trường hợp của công ty Molex ở miền nam nước Pháp. Công ty này muốn đưa xưởng máy sang đông Âu và dẹp bỏ 300 chỗ làm ở Pháp. Đối với ông Thibault một cuộc khủng hoảng tài chính không nhất thiết biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, với điều kiện là Nhà nước không tiếp tục áp dụng chính sách phân phối tín dụng một cách bừa bãi.

Bắc Triều Tiên không được Châu Âu quan tâm đúng mức.

Thời sự Á châu được báo chí Pháp đưa tin là tình hình Bắc Triều Tiên, một nước mà Liên Hiệp Châu Âu đã không quan tâm đúng mức. Từ Tokyo, thông tín viên của tờ Le Monde nhận định là sự kiện Bắc Triều Tiên không còn nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ sẽ giúp cho Bình Nhưỡng không còn bị cô lập trên sân khấu quốc tế. Thế nhưng tại Diễn đàn Á-Âu vừa qua ở Bắc Kinh, hồ sơ Bắc Triều Tiên không nằm trong số các đề tài mà Diễn đàn phải chú ý, ngoại trừ vấn đề hạt nhân.

Theo Le Monde, qua thái độ thờ ơ trước những biến chuyển đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên, Liên Hiệp Châu Âu không phục vụ cho chính nghĩa bảo vệ nhân quyền mà Bruxelles có bổn phận phải bảo vệ, nhất là tại một quốc gia mà dân chúng là nạn nhân trước tiên của tình trạng cô lập trên chính trường quốc tế. Mặt khác Liên Hiệp Châu Âu không có mặt trong các đợt đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Bruxelles cũng chưa bao giờ nghi ngờ những lời tố cáo mà Washington đưa ra về những hoạt động bí mật làm giàu chất uranium của Bắc Triều Tiên.

Bài báo kết thúc với nhận định là để có thể biến chuyển sang một chính thể cởi mở hơn, Bắc Triều Tiên cần có bảo đảm về mặt an ninh và cần có sự hỗ trợ của nước ngoài. Le Monde nhắc lại là trong trường hợp Việt Nam, công cuộc cải tổ đã đem lại kết quả sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, mở đường cho các nhà đầu tư ngoại quốc.

Một chuyên gia tài chính trở thành tu sĩ.                 

Vào lúc mà báo chí nói nhiều về những người buốn bán chứng khoán (trader), thì trên tờ Le Monde, một bài báo dài phác họa chân dung của Henri Quinson, một trader phá giới, đã nhảy qua hàng rào của thị trường chúng khoán để trở thành tu sĩ.

Xuất thân từ một gia đình Pháp-Mỹ rất khá giả, sống tại quận 16, quận vào hạng sang nhất ở Paris, ông Henri Quinson, năm nay 47 tuổi, đã lớn lên tại New York, Bruxelles và Paris trong sự giàu có của giai cấp thượng lưu công giáo. Ông đã hành nghề chuyên gia tài chính để rồi sau đó từ bỏ tất cả và  trở thành tu sĩ, sống tại một vùng ngoại ô nghèo ở phía bắc thành phố Marseille, cách nay 11 năm.

Ông cho biết là trước đây tiền thưởng hàng tháng mà ông lĩnh của ngân hàng Indosuez bằng lương một năm mà ông nhận được hiện nay với tư cách là giáo viên.