Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BÁO CHÍ PHÁP

600 triệu euro giúp ngành báo viết

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 24/01/2009 Cập nhật lần cuối ngày  24/01/2009 17:27 TU

Trong xã luận mang tựa đề « Hãy cứu nguy ngành báo chí », tờ Le Figaro ca ngợi sáng kiến của tổng thống Sarkozy. Nhưng tính đa nguyên của báo chí Pháp vẫn chưa được bảo đảm.

Hôm qua, nhân dịp buổi gặp gỡ chúc mừng năm mới với giới báo chí, tổng thống Sarkozy đã loan báo một kế hoạch 600 triệu euro trên ba năm để giúp đỡ ngành báo viết đang gặp rất nhiều khó khăn. Tổng thống tuyên bố là ông chủ trương một nền báo chí vững mạnh và tới tay của đông đảo độc giả.

Phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro cho biết là ông Sarkozy đã tiết lộ một loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh việc bán báo và tạp chí đồng thời tăng cường sự cân bằng kinh tế của các nhà xuất bản báo và tạp chí.

Trong xã luận mang tựa đề « Hãy cứu nguy ngành báo chí », tờ Le Figaro ca ngợi sáng kiến của tổng thống Sarkozy, vì hiện nay hai loại báo chí thông tin và chính kiến ở Pháp đang phải đối phó với ba cuộc khủng hoảng : cuộc khủng hoảng thứ nhất gắn liền với tình hình kinh tế mà hậu quả là sự giảm sút của quảng cáo. Cuộc khủng hoảng thứ nhì liên quan đến cơ cấu với những chi phí sản xuất cao hơn mức trung bình ở châu Âu từ 30 đến 40%. Và cuộc khủng hoảng thứ ba, về mặt công nghệ, xuất phát từ cuộc cách mạng kỹ thuật số và sự xuất hiện đột ngột và nhanh chóng của một loại báo chí trên Internet.

Đối với tờ Le Figaro, ngành báo viết được hầu như tất cả mọi người công nhận là cột trụ chính yếu của một nền dân chủ.

Nhưng tính đa nguyên của báo chí Pháp vẫn chưa được bảo đảm.

Tờ Le Monde cũng trình bày đầy đủ các biện pháp do ông Sarkozy đưa ra. Nhưng tờ báo nhận thấy là tổng thống Pháp đã tỏ ra rất thận trọng về đạo đức nghĩa vụ của nhà báo. Trái với mong muốn của Hội đoàn các Phóng viên ông Sarkozy không cam kết một điều gì về việc công nhận các ban biên tập về mặt pháp lý.

Tờ cộng sản L’Humanité thì nhận thấy là ông Sarkozy đã chấp nhận các nét chính đưa ra tại Hội nghị giới báo chí. Tuy nhiên, theo tờ báo, vẫn còn nhiều khâu nhằm bảo đảm tính đa nguyên của nền báo chí Pháp không được đề cập tới.

Một số công ty Pháp hồi hương xưởng máy từ Trung Quốc.

Vào lúc mà một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc gặp khó khăn trên thị trường thế giới, thì ở Pháp có vài công ty quyết định đưa xưởng máy từ Trung Quốc trở về lại quê nhà. Đây là chủ đề được tờ công giáo La Croix chọn đưa lên trang nhất. Hiện nay số công ty muốn đem khâu sản xuất trở lại Pháp chưa phải là đông. Thế nhưng, theo La Croix, đây là một phong trào đang lan rộng.

Tờ báo thực hiện một cuộc điều tra để tìm hiểu vì sao lại có một hiện tượng như vậy và nó được tiến hành ra sao, qua trường hợp của hãng Smoby, chuyên chế tạo đồ chơi trẻ em. Hãng này mà trụ sở đặt tại vùng núi Jura đã quyết định tập trung khai thác tay nghề của người dân ở vùng này để củng cố tiến trình phục hưng, sau khi đã chiếm vị trí số 2 trên thị trường đồ chơi ở châu Âu trong thập niên 2000.

Các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc thiếu chất lượng.

Tờ La Croix cho biết là các công ty vốn đã thực hiện chuyến đi về lại Pháp để sản xuất những mặt hàng « made in France » (tức chế tạo tại Pháp), đang đấu tranh để phong trào « về nguồn » này lan rộng với sự hỗ trợ của chính phủ.

Đối với ông Maurice Thévenet, giáo sư tại một trường đại học thương mãi nổi tiếng ở Pháp và được La Croix phỏng vấn, vấn đề đặt ra ngày hôm nay cho các nhà kinh doanh không phải là đưa xưởng máy đến một nơi khác, mà là biết rõ muốn đặt các xưởng máy này tại nơi nào.

Công ty Đức Steiff, nổi tiếng từ đầu thế kỷ trước với những con gấu bằng bông cho trẻ em đã bị buộc phải đem các nhà máy từ Trung Quốc về lại Đức, vì chất lượng của gấu bông sản xuất tại Trung Quốc không được bằng như trước đây.

Việc làm ở Pháp : làm sao ngăn chận đà giảm sút ?

Tờ L’Humanité tổ chức một cuộc thảo luận về đề tài « Việc làm ở Pháp : làm sao ngăn chận sự giảm sút nghiêm trọng ? ».

Cuộc thảo luận diễn ra giữa 4 người, gồm ông Thierry Lepaon, đại diện công đoàn giới lao động CGT, ông Jerome Dubus, tổng đại diện công đoàn giới chủ nhân MEDEF, ông Pierre Laurent, đại diện đảng Công sản Pháp và giáo sư kinh tế học Hoàng Ngọc Liêm, đại diện đảng Xã hội Pháp.

Hiện này ở Pháp có hơn ba triệu năm trăm ngàn người thất nghiệp, tương đương với tỷ lệ 9,8%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức là 7,7%, ở Anh là 8,2% và ở Tây Ban Nha là 16,1%. Đối với ông Hoàng Ngọc Liêm số người thất nghiệp sẽ không thể nào giảm sút nếu như chính phủ không có một kế hoạch hỗ trợ sự tăng trưởng.

Và nếu như Nhà nước Pháp tiếp tục giảm mức chi tiêu công cộng thì sẽ không thể nào có tăng trưởng. Để nâng cao mức tiêu dùng của người dân Pháp và tạo điều kiện cho họ được cấp tín dụng thì Nhà nước buộc phải nắm một phần vốn của các ngân hàng và phải quan tâm đến chính sách cấp tín dụng của các ngân hàng này.

Bà Rachida Dati bị thất sủng.

Tờ Libération hôm nay dành trang nhất để nói về trường hợp bà Rachida Dati, bộ trưởng tư pháp của Pháp, qua hàng tựa « Câu chuyện của một vụ thất sủng ».

Tờ báo đưa tin là bà Dati đã bị tổng thống Sarkozy bỏ rơi và bà chuẩn bị rời ghế bộ trưởng trong vài tuần lễ nữa, sau khi được chỉ định đứng hàng số hai trên danh sách ứng cử viên của đảng nắm quyền UMP cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng sáu.

Tờ báo còn cho biết thêm là số phận của bà đã được quyết định từ mùa hè năm ngoái vì tổng thống Sarkozy không chịu đựng nổi bà và ông đã tìm cho bà một lối ra tương đối khả quan.

Điều rõ ràng mà tờ Libération nhận thấy là bà bộ trưởng tư pháp đã làm được kỳ công là bị toàn bộ các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tư pháp chống đối vì phương pháp làm việc của bà qua cách áp đặt các cuộc cải tổ.

Giáo hoàng Bênêdictô 16 sẽ xoá bỏ quyết định rút phép thông công của bốn giám mục toàn thủ.

Trong những ngày tới đây, toà thánh Vatican và giáo hoàng Bênêđictô 16 sẽ loan báo việc ban hành sắc lệnh xoá bỏ quyết định rút phép thông công của bốn giám mục toàn thủ và, qua đó, sẽ chấm dứt tình trạng chia rẽ kéo dài hơn hai mươi năm trong Giáo hội Công giáo. Nhưng có điều là trong bốn giám mục nêu trên có giám mục người Anh, Richard Williamson, người đã phủ nhận cuộc diệt chủng đối với người Do Thái dưới thời kỳ Hitler.

Dưới tựa đề « Một sự tha lỗi có thể gây tranh cãi » bài xã luận của tờ Le Monde nhận thấy là sự trở về trong lòng Giáo hội Công giáo của những giám mục toàn  thủ có nguy cơ khơi dậy, nhất là ở Pháp, những bóng ma của sự bất hoà.