Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CAM BỐT

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh Quốc : tòng phạm của Khmer đỏ

  Mai Vân

Bài đăng ngày 01/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  01/03/2009 16:59 TU

Nhân dịp Toà Án Quốc tế xét xử tội ác Khờ Me Đỏ mở ra tại Phnom Penh, và những kẻ phạm tội diệt chủng lần lượt ra trước vành móng ngựa, các tuần báo Pháp đã nhìn lại thời kỳ đen tối của lịch sử Cam Bốt, để tìm hiểu và đưa ra ánh sáng những tòng phạm, đã từng đứng sau lưng hỗ trợ chế độ này

Tạp chí Le Courrier International đặt câu hỏi : Những kẻ đồng lõa với Khmer Đỏ sao không không thấy đâu cả ? Nêu bật thắc mắc của một chuyên gia về Khmer Đỏ, ông John Pilger, đã không thấy nhắc đến những lãnh đạo phương Tây, đã từng hỗ trợ cho chế độ Pol Pot nhân phiên tòa, Le Courrier Inetrnational đã trích đang bài viết của chuyên gia này trên tờ báo anh ngữ độc lập, Phnom Penh Post xuất bản ở thủ đô Cam Bốt.

Nixon và Kissinger đã gián tiếp giúp Pol Pot lên cầm quyền

Tác giả bài báo có vẻ lấy làm tiếc là hiện nay chỉ có các lãnh đạo Khmer Đỏ  bị đem ra xét xử, trong lúc thảm kịch Cam Bốt bao gồm 3 giai đoạn, trong vụ diệt chủng chỉ là một giai đoạn, và duy nhất được ghi lại trong ký ức chính thức. Theo John Pilger, Pol Pot không thể nào lên nắm quyền nếu tổng thống Mỹ thờI đó Richard Nixon và cố vấn  của ông là Henry Kissinger đã không mở chiến dịch tấn công tại Cam Bốt, vào thời nước này còn là một quốc gia trung lập.

Năm 1973, pháo đài bay B.52 đã dội xuống Cam Bốt một lượng bom còn cao hơn số bom mà Nhật Bản hứng chiụ trong suốt Đệ nhị Thế chiến. Theo Pilger, số người Cam Bốt bị chết ước tính khoảng 600.000 người. Một số hồ sơ đã cho thấy là cơ quan tình báo Mỹ CIA đã đo lường đươc hậu quả chính trị  của chiến dịch. Họ đã cảnh báo : thiệt hại do B.52 gây ra là trọng tâm tuyên truyền của Khmer Đỏ, mà theo CIA, ''đã tuyển mộ đươc một số lớn thanh niên, trong số những người chạy lánh nạn chiến sự".

John Pilger kết luận miả mai là Khmer Đỏ đã hoàn tất những gì mà Nixon và Kissinger đã bắt đầu. Thế nhưng Kissinger sẽ không ngồi vào ghế bị cáo ở Phnom Penh vì ông đang bận cố vấn cho tổng thống Barack Obama trên các vấn đề điạ lý chiến lược.

Nước Anh của Thatcher bí mật tiếp tay cho Khmer Đỏ

Nhưng không phải có Hoa Kỳ và Henry Kissinger bị lên án. John Pilger còn nêu tên một người khác : cựu thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, và những viện chức cao cấp của Anh, nay đã về hưu. Họ đã bí mật hỗ trợ cho Khmer Đỏ, sau khi chế độ này bị Việt Nam đánh đuổi. Đây là giai đoạn 3.

Năm 1979, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã áp đặt cấm vận đối với một nhà nước Cam Bốt bị kiệt quệ. Vì là người giải phóng Cam Bốt, Việt Nam đã không đứng về phe tốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Pilger còn nhận thấy là chưa bao giờ một chiến dịch do bộ ngoại giao Anh tổ chức lại trắng trợn và dữ dằn như thế. Anh Quốc đòi hỏi là chế độ không còn nữa của nước Kampuchéa Dân chủ, được giữ ''quyền'' đại diện cho nạn nhân của họ ở Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ, Anh Quốc và Trung Quốc, đã biạ đặt ra một liên minh ''không cộng sản'' lưu vong,  mà thật ra chủ yếu gồm phe Khmer Đỏ. Ở Thái Lan, các cơ quan tình báo Mỹ CIA và  DIA (tình báo quốc phòng) đã duy trì quan hệ mật thiết với Khmer Đỏ.

Năm 1983, chính quyền Anh của bà Margaret Thatcher, còn cử lực lượng đặc biệt SAS đến huấn luyện cho các thành phần này, đặc biệt là các kỹ thuật gài mìn. Khi trả lời dân biẻu đối lập Neil Kinnock, bà Thatcher khi đó đã hoàn toàn phủ nhận, khẳng định rằng chính quyền Anh không hề dính líu vào việc huấn luyện, trang bị, hay một hình thức hợp tác nào, với lực lượng Khmer Đỏ hay đồng minh của họ. Có điều là năm 91, chính phủ kế nhiệm là John Major đã phải thú nhận trước Quốc Hội Anh là lực lượng đặc biệt SAS đã thực sự tham gia huấn luyện một cách bí mật cho lực lượng Pol Pot.

Tác giả bài báo kết luận, nếu công lý quốc tế không phải là một tấn hài kịch, thì phải gọi những người đồng hành với kẻ phạm tội ác ra trưóc toà án Phnom Penh. Ít ra là phải ghi tên họ vào ‘’danh sách nhục nhã’’. John Pilger là một chuyên gia về thời kỳ Khmer Đỏ, từng là phóng viên chiến trường, đồng thời là nhà văn, nhà đạo diễn phim. Ông là tác giả 2 bộ phim về thời kỳ Khmer Đỏ.

Hoa Kỳ đẩy Sihanouk vào vòng tay Khmer Đỏ

Le Monde 2, tạp chí hàng tuần của nhật báo Le Monde, đã ghi nhận một hệ quả khác của chiến dịch Mỹ tiến hành ở Cam Bốt : đẩy quốc vương Sihanouk đến với Khờ me đỏ.

Dưới tựa đề ‘’Sihanouk trong bóng Khmer Đỏ’’, tạp chí đăng lại một số bức ảnh ông Sihanouk chụp với các chiến sĩ trẻ hoặc bên cạnh các lãnh đạo Khmer Đỏ như Khiêu Samphan, trong bức ảnh đến tham quan thác Phnom Kulen ở vùng giải phóng, hay ảnh hoàng hậu Monique đứng bên cạnh vợ của Pol Pot. Theo lời chú thích, hai tấm ảnh này chụp vào tháng 3 và tháng tư năm 1973.

Một bức ảnh nữa cũng chụp Khiêu Samphan và Sihanouk ở Siem Reap, gần đền Angkor, chụp thời kỳ ông trở lại Phnom Penh, sau tháng 4 năm 1975. Hàng chú thích dưới bức ảnh  giải thích : đây là một trong nhũng lần hiếm hoi mà ông Sihanouk rời cung điện ở Phnom Penh. Ông là nguyên thủ quốc gia nhưng không có quyền hạn gì và thật ra là tù nhân của Khmer Đỏ, từ tháng tư năm 1975 cho đến đầu năm 1976 (lúc ông từ chức).

Tạp chí Le Monde 2 cho biết là các bức ảnh trên nằm trong  tài liệu lưu trữ cá nhân mà cưụ quốc vương Cambốt đã tặng cho Trưòng Viễn Đông Bác Cổ vào năm 2004. Hàng trăm ngàn tài liệu mà công việc kiểm kê, sắp xếp lại số tài liệu này chỉ vừa mới kết thúc. Tạp chí hoan nghênh thái độ minh bạch hoá lịch sử hiếm thấy của một nguyên thủ quốc gia.

Về bức ảnh đầu tiên, Francis Deron, tác giả bài báo dài lược qua thời kỳ này, và giải thích rằng : vào một ngày tháng 3 năm 1973, ở một góc rừng Cam Bốt, những chiến sĩ Khmer Đỏ đươc chọn lựa kỹ càng, đã được đưa đến chào người Cha đất nước, trước ống kính của một nhiếp ảnh gia do Trung Quốc đào tạo và trang bị.

Do đâu ông Sihanouk đã đến với Khmer Đỏ ? Dĩ nhiên là do chiến dịch của Hoa Kỳ ở Cam Bốt, việc dựng lên chính quyền Lon Nol, năm 1970. Bị quân đội lật đổ, không còn đươc hậu thuẩn của phưong Tây, Quốc vương Sihanouk, lánh nạn ở Bắc Kinh, đã không còn con đường nào khác là nghe lời của Trung Quốc liên minh với du kích quân Khmer Đỏ, mà trước đó ông vẫn cho săn đuổi.

Trong bài lược lại tình hình, Francis Deron nêu bật trở lại sự thay đổi thái độ của Henry Kissinger. Theo bài báo khi Pol Pot lên nắm quyền ở Phnom Penh, các nhà phân tích của CIA đã cố cảnh báo về chế độ độc tài đang đươc thiết lập ở đây. Nhưng CIA không phải là một nguồn tin đáng tin cậy. Chỉ có một người lắng nghe họ : Henry Kissinger, nhưng không phải là để ngăn chặn .

Bài báo trích lại lời của Kissinger, ngày 26 tháng 11 năm 1975,  trong buổi ăn trưa ở bộ Ngoại giao với một đoàn đại diện Thái Lan : ‘’Chúng tôi nghĩ là mối đe doạ lớn nhất đối với Đông Nam Á hiện giờ, đến từ Miền Bắc Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi là, là lôi kéo Trung Quốc đến Lào và Cam Bốt để ngăn chăn Việt Nam. Hãy nói với những người ở Cam Bốt rằng chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ sát nhân, nhưng nói riêng giữa chúng ta thì điều đó không quan trọng. Chúng tôi sẳn sàng cải thiện quan hệ với họ. Hãy nói lại vớI họ phần cuối những gì tôi vừa nêu, đừng lập lại phần đầu’’.
(Những lời lẽ này nằm trong số tài liệu giải mật ngày 27 tháng 7 năm 2004). Và dĩ nhiên phía Thái Lan đã tường thuật lại cho Trung Quốc, và Bắc Kinh lập lại cho Khmer Đỏ.

Francis Deron nhận định là để trừng phạt Việt Nam, Henry Kissinger không ngần ngại sử dụng mọi phương cách. Việc Khmer Đỏ thù ghét Việt Nam là một công cụ tốt. Vả lại từ năm 1972, Bắc Kinh và Washignton không còn là kẻ thù nữa. Năm 1976, Trung Quốc ở vào một thờI điểm then chốt. Mao Trạch Đông qua đờI, Đặng Tiểu Bình sẽ cầm cương Trung Quốc. Đặng Tiều Bình, theo Deron, thù ghét Việt Nam không kém gì Kissinger.

Bài báo cũng nhắc lại là từ 1975 đến cuối 1978, Khmer Đỏ thực hiện kế hoạch thảm sát. Được sự hổ trợ của Trung Quôc và sự đồng ý ngầm của Phương Tây.

Như trả lờI thắc mắc của đồng nghiệp John Pilger, không thấy nhũng nguời bạn của Khmer Đỏ ở đâu trong vụ xét xử hiện nay, Deron cho là đã có những cuộc mặc cả gay go và thoả hiệp để chỉ xét xử những hành vi Khmer Đỏ trong giai đoạn từ năm 1975 đến ngày mùng 7 tháng giêng 1979. Phần còn lại, lịch sử sẽ phán xét.

Thái Lan chưa thoát khỏi quá khứ phong kiến

Tiếp tục nhìn sang Châu Á, le Courrier International chú trọng đến Thái Lan. DướI tựa đề ‘’Bất bình đẳng như là nền tảng của xã hội’’, tạp chí  trích dẫn tờ Bangkok Post, lấy làm tiếc là khái niệm nhân quyền chưa thâm nhập thực sự vào xã hội Thái, và sở dĩ Thái Lan vẫn là đứa học trò kém cỏi về nhân quyền, đó là vì chưa thóat ra khỏi quá khứ phong kiến.

Bài báo nhắc lại là sau khi bị tố cáo ngược đãi ngườì tỵ nạn sắc tộc Rohingya (Miến Điện), chính quyền Bangkok đã mở cửa cho Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, và cho các tổ chức phi chinh phủ để vào điều tra.

Nhưng câu hỏi được nêu ra là chính quyền có thực sự giải quyết tận gốc vấn đề hay không ?  Theo bài báo, người Thái Lan không chia sẻ khái niệm nhân quyền như người ta thấy ở phương Tây, ví dụ như đối với người hồi giáo Thái Lan. Việc họ bị đẩy ra bên lề xã hội là một thực tế, và phần lớn xã hội không thấy đoái hoài, tỏ cảm tình đối vơí thành phần này.

Suy nghĩ là mọi người đều có những quyền bình đẳng như nhau không có ở Thái Lan. Xã hội được xây dựng trên một nền tảng tôn ti trật tự. Thời phong kiến, mỗi tầng lớp xã hội có những quyền lợi khác nhau, trong mỗi tầng lớp thì đàn ông vẫn có quyền hơn đàn bà.

Cho đến nay thì người ta cũng không thực sự  đòi hỏi quyền bình đẳng, Mọi người có vẻ an phận với chỗ đứng của mình bất kỳ là trong tầng lớp xã hội nào. Người Thái đã không thoát khỏi cơ cấu xã hội cứng nhắc dù quyền lợi của họ bị chà đạp. Không ai muốn thay đổi, kể cả giới chính trị.

Bài báo kết luận nếu thủ tướng Abhisit muốn thật sự cải thiện, tìm giải pháp cho vấn đề nhân quyền hiện nay thì ông phải thay đổi cả hệ thống xã hội, chính trị Thái, cách quan hệ giữa con người và con người. Tóm lại điều khó thể hay chưa thể làm được.
 
Trung Quốc : từ đại nhảy vọt đến đại hoài nghi

Tạp chí Anh The Economist tuần này chú trọng đến việc Bắc Kinh kềm hãm Tây Tạng với bàn tay sắt, trong lúc tạp chí kinh tế Pháp l'Expansion thì nhìn kinh tế Trung Quốc, và tóm lược tình hình trong hàng  tựa hóm hỉnh : "Trung Quốc đi từ đại nhảy vọt đến đại hoài nghi". Tất cả các vùng miền, các vùng phát triển nhất cũng như tầng lớp trung lưu, không ai thoát khỏi tác động khủng hoảng kinh tế.
Năm nay theo l'Expansion, tình hình càng nguy hiểm với những lễ kỷ niệm lịch sử, 60 năm ngày Mao Trạch Đông nắm quyền ở Trung Quốc, 50 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong, 20 năm ngày đàn áp phong trào sinh viên Thiên An Môn.

L'Expansion ghi nhận yếu tố đáng ngại đối với chính quyền là người dân không còn sợ xuống đường để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Năm 2005, theo số liệu chính thức, đã có 87.000 cụôc biểu tình, phần lớn do các do vụ trưng thu đất đai. Nhưng bây giờ tình hình càng nguy hiểm do nạn thất nghiệp, đặc biệt trong số các dân công, ước tính có 20 triệu người mất việc làm. Ngày càng nhiều các công ty bị lỗ lã phải đóng cửa, và thường khi là không trả đươc lương công nhân. Tình cảnh bị sa thải, lại không tiền, họ là một thách thức lớn lao về mặt xã hội đối với chính quyền.

Trở lại vớí tạp chí Anh the Economist, nhận định về đối  sách của Bắc Kinh đối với Tây Tạng, Tạp chí này nhìn thấy Trung Quốc chọn biện pháp mạnh vì có nhiều thuận lợi : tình hình êm xuôi, Tây Tạng không còn được thế giới quan tâm như vào năm ngoái. Trong chuyến công du vừa qua, tân ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không đặt nặng vấn đề nhân quyền và  Tây Tạng.

Nhưng the Economist cảnh báo là đàn áp không phải phương thức dẫn đến thành công chính trị. Theo tạp chí Anh, cái gai đối với chính quyền Bắc Kinh vẫn là Đức Đạt lai Lạt Ma. Lãnh đạo Trung Quốc nghĩ là mọi vấn đề sẽ đươc giải quyết khi ngài mất đi. Nhưng theo the Economist hệ quả có thể ngược lại, và Bắc Kinh có thể sẽ tiếc nuối ảnh hưởng ôn hoà của ngài.