Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Với quyết định khai thác bauxit ở Tây Nguyên, Việt Nam chọn lựa tăng trưởng kinh tế bất chấp nguy cơ đối với môi trường

  Mai Vân

Bài đăng ngày 26/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  26/04/2009 17:40 TU

Công trường khai thác bauxit

Công trường khai thác bauxit

Điều đáng ngạc nhiên nữa là trong số các tiếng nói phê phán lại có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn Hoà thượng Thích Quảng Độ, thuộc Giáo hội Phật giáo ly khai, cùng với một loạt những nhà khoa học đầu đàn và giới bảo vệ môi trường

Cuộc tranh cãi tại Việt Nam hiện nay về quyết định xúc tiến việc khai thác bauxit trên vùng Tây Nguyên đã nổi bật trong phần châu Á của tạp chí Anh ngữ The Economist số ra tuần này, với bài phân tích mang tựa đề ''Những người đánh mạnh vào bauxit''.

Với ảnh chụp đại tướng Võ Nguyên Giáp, kèm theo phụ đề ''Tướng Giáp lại tham gia một trận đánh mới'',  tuần báo Anh đã cho rằng chính quyền Việt Nam đã chọn lựa tăng trưởng kinh tế bất kể tổn hại gây ra cho môi trường và dư luận chống Trung Quốc tại Việt Nam.

Trước hết, The Economist đã tỏ thái độ ngạc nhiên trước sư kiện một làn sóng phản đối chưa từng thấy đã dâng lên chống lại một kế hoạch của chính phủ, giao cho một công ty Trung Quốc khai thác một phần quặng bô xít rất dồi dào ở vùng Cao nguyên trung phần Việt Nam. Đối với tuần báo Anh, đây là một điều hiếm thấy tại một nước,  nơi mà người ta có thể bị tù vì chỉ trích chính sách của Nhà nước.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là trong số các tiếng nói phê phán lại có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn Hoà thượng Thích Quảng Độ, thuộc Giáo hội Phật giáo ly khai, cùng với một loạt những nhà khoa học đầu đàn và giới bảo vệ môi trường.

The Economist công nhận là Việt Nam có trữ lượng bauxit lớn hàng  thứ ba thế giới, và chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng dự trù thu hút 15 tỷ đô la hay hơn nữa vào việc phát triển ngành khai thác bô xít và luyện nhôm từ nay đến năm 2025. Việt Nam, theo tuần báo Anh, đã ký một hợp đồng khai thác với một chi nhánh của tập đoàn Nhà nước Trung Quốc Chinalco, và cũng đã thỏa thuận với tập đoàn Mỹ Alcoa về một đề án nghiên cứu khả thi cho một khu mỏ khác.

Tổn hại vĩnh viễn cho môi trường

Theo The Economist, những người chỉ trích đề án bauxit Tây Nguyên cho rằng khai thác quặng nhôm trên bình diện rộng tại một vùng trồng cà phê và những loại cây khác sẽ tạo ra những thiệt hại không thể nào  đảo ngược được cho môi trường, và buộc cư dân người Thượng trong khu vực phải di dời đi nơi khác.

Theo tuần báo Anh, quặng bauxit thường được khai thác trên những mỏ lộ thiên, điều này sẽ để lại những ''vết sẹo lớn'' trong phong cảnh. Mặt khác việc luyện nhôm còn tạo ra loại bùn đỏ rất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các nguồn nước.

Bên cạnh đó, việc giao đề án đầy tranh cãi đó cho một công ty Trung Quốc còn làm dấy lên tâm lý chống Trung Quốc vẫn tiềm tàng ở Việt Nam, từng bị 1000 năm Bắc thuộc, và mới đây đã phải chống trả một cuộc chiến tranh dù ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979. Hoà thượng Thích Quảng Độ chẳng hạn, theo The Economist, đã nói đến ''các ngôi làng công nhân Trung Quốc mọc lên tại vùng Tây Nguyên và số lượng 10 ngàn công nhân Trung Quốc đổ vào đây trong những năm sắp đến''. Lời nói này đã có tiếng vang rất lớn trên hàng loạt trang blog tại Việt Nam.

Đối với The Economist, lẽ dĩ nhiên tâm lý bài Trung Quốc là một trong những nguyên nhân thúc đẩy làn sóng chống đề án bô xít Tây Nguyên. Thế nhưng cũng có những mối lo ngại thực sự trước các ''thành tích'' kém cỏi của các công ty khai thác quặng mỏ Trung Quốc trong việc quan tâm bảo vệ môi trường.

Việt Nam rất cần đầu tư Trung Quốc

Dù sao thì chính quyền Việt Nam rất nhạy cảm trước dư luận công kích Trung Quốc. Mới đây tạp chí Du lịch đã bị đình bản ba tháng vì đăng các bài viết về tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo The Economist, nguyên nhân giải thích phản ứng này nằm trong vấn đề kinh tế.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hà Nội lại bị một mức thâm thủng mậu dịch khổng lồ đối với  Bắc Kinh và đang yêu cầu người đối tác đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam  để giảm bớt mức thâm thủng đó.

Với mức đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong quý một năm nay giảm 40% so với cùng ký năm ngoái, và với việc đa số các nước giàu đang bị thiếu tiến mặt, theo The Economist, rõ ràng là lúc này Việt Nam cần tiền của Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Tuần báo Anh kết luận : ''Trong một cuộc họp với các khoa học gia gần đây bàn về tác hại đối với môi trường, Phó thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải đã xác định là Việt Nam sẽ không theo đuổi đề án bô xít ''bằng mọi giá''. Thế nhưng, theo The Economist, thực tế cho thấy là trong một tình hình kinh tế khó khăn, những người đi xin không thể là những người có quyền chọn lựa.

Tại Đông Nam Á, ASEAN không còn ảnh hưởng như trước

Nhìn ra toàn vùng Đông Nam Á lúc này, tạp chí le Courrier International có nhận định khá bi quan về khối ASEAN, được ví với một chàng khổng lồ chân đất sét. Tuần báo Pháp giải thích : ''bất ổn định trường kỳ tại một số quốc gia thành viên làm cho Hiệp hội yếu đi''.

Tạp chí minh hoạ nhận định trên bằng tình hinh Thái Lan. Một bức biếm hoạ  cho thấy những người mặc áo đỏ làm vỡ mặt một con voi (Thái Lan), ngườI thì  nhổ nước bọt trên mặt voi bị rơi xuống đất, người thì đái lên mình voi, người thì viết những từ bây bậy bạ lên than voi.

Trích dẫn báo trên mạng Asia Sentinel ở Hồng Kông, Le Courrier trở lại việc  Hội nghị Thượng đỉnh Pattaya bị hủy bỏ do các vụ biểu tình của phe Áo đỏ chống chính phủ.

Theo tác giả bài báo, Philip Bowring, sự kiện trên  không phải chỉ là một cái tát tai đối với chính quyền Thái Lan mà còn đối với những người đang mong muốn công cuộc hợp tác trong khu vực sẽ giúp Châu Á đối phó hữu hiệu với khủng hoảng toàn cầu. Hy vọng của ASEAN như thế đã tiêu tan.

Bài báo nêu một  hậu quả của cuộc họp bị hủy bỏ, đó là không hoàn tất được như dự kiến thoả thuận về quỹ hỗ trợ ngoại tệ khẩn cấp 120 tỷ đôla, hầu giúp các quốc gia trong khu vực đối phó với khủng hoảng tài chính. Khoản chủ yếu của quỹ này là do 3 nước Đông Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gánh chiụ.

Dĩ nhiên theo tác giả bài báo là quỹ này dẫu sao  cũng sẽ ra đời vì 3 quốc gia Đông Á đều có lợi : ai cũng muốn giảm bớt sự  lệ thuộc vào thị trường phưong Tây đang suy yếu, và cần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong vùng. Nhưng nhìn lại ASEAN, bài báo cho là thật ra hiệp hội Đông Nam Á không còn vị thế, ảnh hưởng như vào thời những tác nhân nặng ký như Suharto ở Indonexia, Lý Quang Diệu ở Singapore, hay Mahathir ở Malaysia.

Tổng thống Indonesia, Yudhoyono, có thể đóng một vai trò chủ lực, nhưng đó không phải là mục tiêu của một nước Indonesia, đang chú trọng đến các vấn đề nội bộ hơn, và chưa muốn đóng một vai trò gì trên sân khấu quốc tế. Philippines thì tương đối ổn định, nhưng thường bị xem như tác nhân bên lề. Singapore thì đã mất đi hào quang kinh tế, Việt Nam đã khẳng định đươc một vai trò nhất định, nhưng khởi điểm của Việt Nam còn ở mức rất thấp

Nhìn lại Thái Lan thì không biết đến khi nào nước này  mới vãn hồi đươc sự  ổn định, trong lúc tại Malaysia, tân thủ tướng nhậm chức với tỷ lệ được lòng dân còn thấp hơn người tiền nhiệm.

Tóm lại theo bài báo, bất ổn định chính trị vá nhất là sự thiếu hợp tác giưã các nước ASEAN là điều đập mắt mọi người khi nhìn về tình hình hiệp hội, sự thiếu hợp tác này còn thể hiện rõ nét trong việc đối phó với Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông : Asean không thành lập đươc một mặt trận chung trước người láng giềng to lớn này.

Khủng hoảng kinh tế : nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhưng cần phải thận trọng

Trở lại với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu , các tạp chí Anh  cũng như Pháp  đếu nêu lên những dấu hiêu đầu tiên cho thấy tình hình khả quan hơn một chút. Thế nhưng tất cả vẫn lên tiếng cảnh báo, như tạp chí The Economist là ''hãy thận trọng'', trong lúc tạp chí l'Express nêu câu hỏi : ''có thể tin tưởng là kinh tế sẽ thực sự vực dậy hay không ?''.

Tạp chí Pháp nhận thấy là từ vài tuần qua, tin vui đến dồn dập và tạo nên một chút hy vọng. Tạp chí nêu tình hình Pháp, chỉ nhìn cảnh đi nghĩ lễ Phục sinh vừa qua, những điạ điểm chơi thể thao mùa đông nghẹt khách, hay những nguời dự kiến mua xe hơi mới, thì cũng cảm thấy lạc quan hơn.

Theo l'Express mặc dù thất nghiệp còn cao, ngành công nghiệp và tài chính còn khó khăn, nhưng tâm lý lạc quan có thể dựa trên một số dấu hiệu về tình hình bắt đầu cải thiện. Tại Hoa Kỳ, lượng nhà cửa bán ra vào tháng hai đã tăng hơn 4%, người Mỹ bắt đầu chi xài trở lại, trong lúc tại Pháp thì sản xuất công nghiệp tháng 2 bước đầu đươc ổn định sau 5 tháng tuột giảm liên tục.

Vả lại theo l'Express, Pháp  còn trong tay nhiều con chủ bài, nhiều lãnh vực  vững mạnh, như ngành nông nghiệp chẳng hạn : Pháp vẫn là nước đứng đầu Châu Âu về  nông sản, thực phẩm, nưóc xuất khẩu nông sản chế biến đứng đầu thế giới. Năm 2008,  thặng dư thương mại của ngành này tại Pháp lên đến hơn 9 tỷ euros.

Đối với tạp chí  kinh tế l'Expansion, trước mắt thế giới sẽ bị nạn giảm phát đe doạ. Nhìn lại tình hinh các quốc gia, L'Expansion cho là Trung Quốc là nơi có hy vọng kinh tế phục hồi, trong lúc  Hoa Kỳ còn đang cầm cự.

Theo L'Expansion, dù các hộ gia đình Mỹ bắt đầu chi tiêu trở lại, mức tiêu thụ có tăng 0,5% vào quý đầu năm nay, nhưng 2009 vẫn là một năm rất khó khăn cho người dân Mỹ, tài sản mất giá, thất nghiệp gia tăng, tín dung tiếp tục khó khăn hơn, trong đó thì các khoản nợ mà các hộ phải trả còn quá cao, phải giải quyết các món nợ trước đã rồi mới thấy không khí dễ thở hơn.

 Đối với Trung Quốc, điểm lại những yếu tố giúp kinh tế quốc gia Châu Á vươn lên , l'Expansion nhận thấy trước tiên là giá nguyên liệu giảm sụt trên thị trường quốc tế giúp Trung Quốc có lợi trong cán cân thương mại, các nhà công nghiệp giảm được thâm thủng, tích lũy lại vốn liếng.

 Thứ hai là kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc kinh : 580 tỷ đô la, cộng vào đó là chính sách giảm thuế, trong lãnh vực xe hơi chẳng hạn, giúp cho  khoảng 9 triệu xe hơi mới có thể được bán ra năm nay. Hơn nữa, ngược lại với Hoa Kỳ, các nhà kinh doanh Trung Quốc không thiếu tín dụng.

 L'Expansion kết luận hóm hỉnh : đấy có lẽ là khiá cảnh thuận lợi của hệ thống tài chính nằm trong tay nhà nước, có thể ra lệnh cho ngân hàng cấp tín dụng khi cần thiết. Nhưng mặt trái là một số  khoản cho vay khẩn cấp  để khuyến khích tiêu thụ hay cho những đề án hạ tầng cơ sở có thể trở nên vô hiệu quả trong trung hạn.