Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

KHÍ HẬU

Chạy đua giành tài nguyên vùng Bắc Cực

  Mai Vân

Bài đăng ngày 09/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày  09/05/2009 16:04 TU

Bắc Cực, một vùng tranh giành ảnh hưởng mới(Ảnh : Reuters)

Bắc Cực, một vùng tranh giành ảnh hưởng mới
(Ảnh : Reuters)

Trong lúc giới khoa học lên tiếng báo động về hiện tượng khí hậu ấm lên làm tan các tảng băng vùng Bắc Cực, thì cuộc chiến giành tài nguyên khu vực băng giá này cũng đã mở màn, một nơi được nhật báo Pháp Le Figaro mệnh danh là vùng trù phú Elđôrađô trong dòng tựa lớn.
Với bức ảnh chụp cảnh băng tan ra thành từng mảnh nhỏ vào muà hè năm ngoái và một chiếc tàu phá băng đang đi qua vịnh Bap Fin nằm giữa đảo Groenland của Đan Mạch và Canada, Le Figaro cho là vào lúc này, khu vực vẫn còn băng giá lởm chởm, nhưng đến mùa hè sắp tới thì lần thứ ba liên tiếp, tàu bè lại có thể đi từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương xuyên qua con đường huyền diệu phía Bắc mà nhiều thế hệ nhà thám hiểm Bắc Cực trước đây từng mơ tưởng.
 
Theo tờ báo  con đường này xuyên qua hằng hà sa số hòn đảo trải dài trên 2.400 km giữa Groenland và biển Beaufort Tây Bắc Canada và đến muà hè sẽ không còn bị băng đá cản trở.
 
Tuy nhiên, con đường từng được mơ ước này, vừa mới ló dạng đã kéo theo một loạt tranh chấp chủ quyền trưóc các triển vọng về tiềm năng kinh tế.
 
Theo Le Figaro, con đường mà chỉ có thể khai thác trong vòng 20 năm tới đây, là ngõ ngắn nhất nối liền hai đại dương. Một lối đi tuyệt vời đối với các tàu chở hàng, hiện đang phải sử dụng kênh đào Panama ở phiá Nam.
 
Nếu đi qua ngả phiá Bắc này sau khi được khai thông, hành trình các chiếc tàu sẽ giảm đến 7000 cây số, thời gian bị mất sẽ giảm đến 15 ngày. Lần đầu tiên, vào tháng 9 năm ngoái, một thương thuyền đã đi thử qua toàn bộ tuyến đường này.
 
Hiện nay, bất đồng đầu tiên liên quan đến quy chế của ngõ thông thương đó : Hoa kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, xem đấy là một hành lang quốc tế, trong lúc Canada lại cho rằng tuyến đường thuộc về họ vì xuyên qua lãnh thổ Canada từ Đông sang Tây.

Tài nguyên khu vực rất dồi dào
 
Nhưng không phải chỉ vấn đề giao thông là tạo ra sự ham muốn. Theo Le Figaro, phiá dưới các tảng băng là cả một kho báu sẽ rơi vào tay quốc gia nào trưng được bằng cớ về chủ quyền của họ : theo Ủy ban Điạ chất Hoa Kỳ, thì nằm dưới vùng băng giá hiện nay, có đến 22%  trữ lượng năng lượng và có thể khai thác được của thế giới.
 
Đó là chưa kể đến những mỏ khác từ kim cương cho đến bạc, đồng, kẽm và có thể có cả quặng uranium. Ngoài ra thì còn tiềm năng du lịch. Năm ngoái, theo bài báo, có đến 26 chiếc tàu chở hơn 2000 du khách đến tham quan một đoạn đường đi ở vùng Bắc Cực.
 
Theo báo Le Figaro, ngoài Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Canada, Liên Bang Nga cũng khẳng định chủ quyền trên một vùng rộng lớn ở Bắc Cực và đã cắm cờ Nga ngay dưới cực Bắc cách đây 2 năm. Matxcơva cũng vừa thông báo việc thành lập một lực lượng đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của Nga trong khu vực.
 
Toyota lần đầu tiên bị thua lỗ trong 72 năm tồn tại
 
Trên bình diện kinh tế, Le Figaro cũng như Le Monde đều ghi nhận tình trạng thua lỗ thê thảm của Toyota, biểu tượng của kinh tế Nhật Bản.
 
Trong tài khoá vừa kết thúc, tập đoàn này đã bị lỗ 3,3 tỷ euros. Le Monde nhấn mạnh trong hàng tựa : đây là những khoản thua lỗ đầu tiên trong lịch sử 72 năm của Toyota.
 
Theo Le Figaro, cho đến năm ngoái, tập đoàn chế tạo xe hơi hàng đầu thế giơí vẫn có vẻ rất vững vàng, hầu như không có gì có thể tác động đến được. Thế nhưng thực tế lại khác.
 
Không chỉ thế, trong quý đầu năm nay, Toyota thông báo lỗ lã đến 5,9 tỷ euros, nặng hơn cả tập đoàn General Motors của Mỹ trong cùng thời kỳ.
 
Thế nhưng không phải chỉ có Toyota, mà tất cả những tập đoàn có tiếng của Nhật Bản, từ xe hơi cho đến điện tử, mà thị trường chính là Hoa Kỳ, đều bị khốn đốn vì thị trường này suy sụp.
 
Nguyên nhân thứ hai, khiến một tập đoàn như Toyota thua lỗ nặng nề là đồng yen quá cao so với đồng đôla, khiến cho chi phí mà Toyota phải gánh chiụ trên mặt hối đoái là 5,7 tỷ euros. Theo Le Figaro, nếu không có khoản đó thì tất nhiên Toyota không bị thua lỗ.
 
Tình trạng hiện nay, theo bài báo, buộc Nhật Bản phải có một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Trước mắt Tokyo muốn sử dụng ngành xe hơi như mũi nhọn tiến công trong bước ngoặt mớI, khuyến khích Toyota và Honda phát triển những loại xe hơi đời mới, với loại động cơ chạy vừa bằng xăng vừa bằng điện, đồng thời yêu cầu Nissan và Mitsubishi đẩy nhanh việc sản xuất xe chạy bằng điện.
 
Không chỉ trong lãnh vực xe hơi. Theo le Figaro, Nhật còn phải thay đổi cả nền công nghiệp của mình, bỏ đi công nghiệp truyền thống nhất là công nghiệp nặng để quay sang lãnh vực công nghệ cao cấp, công nghệ tương lại. Đây là cách duy nhất để nền kinh tế thứ nhì thế giới duy trì sức cạnh tranh.
 
Nhật Bản cũng đang bước đầu thực hiện sự chuyển hướng này. Thách thức lớn khác của Nhật là làm sao có được một đội ngũ nhân sự thích ứng vớI bước chuyển biến mới.
 
Trung Quốc thay chân Hoa Kỳ trở thành bạn hàng số một của Brazil
 
Theo tờ le Monde, Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil trong lúc mà trao đổi giữa Hoa Kỳ và người láng giềng khổng lồ Châu Mỹ La Tinh sụt giảm do khủng hoảng kinh tế.
 
Theo bài báo, tháng tư vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử Brazil, Trung Quốc đã thay vào chỗ của Mỹ, để trở thành bạn hàng quan trợng nhất. Ngay từ tháng 3 thì Trung Quốc đã là nước đứng đầu thế giới trong việc nhập hàng hoá Brazil.
 
Theo le Monde đây là một khúc quanh lịch sử đối với Brazil. Tờ báo điểm lại là sau Bồ Đào Nha, Anh Quốc, rồi Hoa Kỳ, bây giờ đến lượt Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, khẳng định ưu thế của họ trong việc giao thương vớI quốc gia lớn nhất Châu Mỹ La Tinh. Thứ hạng hiện tại của các bạn hàng thương mại của Brazil rất rõ : Trung Quốc, thứ nhất, rồi đến Hoa Kỳ, thứ hai, còn hạng 3 là Argentina.
 
Le Monde giải thích nguyên nhân khiến cho vị trí của Mỹ bị thụt lùi là khủng hoảng kinh tế, đã khiến cho trao đổi thuơng mại của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới tuột giảm. 
 
Nhưng theo nhật báo Pháp, điều này đồng thời phản ánh sức mua hàng của Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Trị giá xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đã tăng gấp15 lần từ năm 2000 đến 2008. Riêng giữa năm 2007 và 2008 thì mức tăng lên đến 75%.
 
Nhờ vào xuất khẩu gia tăng như nói trên, Brazil trong 4 tháng đầu năm 2009 này đã có được mức thăng dư thương mại cao hơn gấp đôi so vớI cùng thờI kỳ năm trước.
 
Tuy nhiên, theo bài báo, nhìn bề ngoài là thế, nhưng trao đổi mậu dịch giữa Brazil và Trung Quốc có phần không cân bằng. Hàng Brazil xuất sang Trung Quốc là nguyên liệu, như quặng sắt chẳng hạn, hay nông sản như đậu nành, tức là nhũng mặt hàng rẻ, giá trị thặng dư không cao. Trong lúc đó, Trung Quốc bán sang Brazil ngày càng nhiều mặt hàng công nghiệp, nhất là hàng điện tử.
 
Theo le Monde để đảo ngược khuynh hướng này, ngày 18 tháng 5 sắp tới, tổng thống Brazil sẽ sang Trung Quốc cùng với một phái đoàn doanh nhân hùng hậu. 
 
Nhưng thị trường Brazil không chỉ thu hút riêng Trung Quốc. Hiện nay Đài Loan và Hàn Quốc cũng chen chân vào quốc gia Nam Mỹ, và cũng gia tăng nhập khẩu hàng Brazil. Trong tháng 4, lượng nhập khẩu của họ đã tăng gấp đôi.
 
Quân đội Pakistan mạnh tay hơn với Taliban
 
Các báo hôm nay cũng nhìn xuống vùng Nam Á, theo dõi chiến sự tại Pakistan. Nhận định chung được Libération và le Figaro nêu bật trong các hàng tựa là quân đội Pakistan có vẻ kiên quyết đi đến cùng để đánh bại quân Taliban. Libération mô tả cảnh lực lượng pháo binh Pakistan đóng quân chung quanh thung lũng Swat, từ 4 ngày qua. Mục tiêu là chiếm lại vùng đã rơi vào tay Taliban từ vài tháng nay.

Theo tác giả bài báo, thường khi trong những chiến dịch như vậy của quân đội, các cuộc thuong lưọng vẫn được tiến hành ở hậu trường. Thế nhưng lần này thì khác : quân đội Pakistan muốn đánh đến cùng. Máy bay trực thăng đã oanh kích liên tục các vị trí của Taliban, có khi vào cả các ngôi làng. Từ 2 ngày nay, 40.000 người đã phải tản cư khỏi vùng chiến sự trong khi mà giớI hoạt động nhân đạo lo ngại thảm hoạ nghiêm trọng xẩy ra.
 
Theo Libération, chiến sự càng dữ dội, thì thái độ thù hằn bài Mỹ càng gia tăng không chỉ trên hiện trường, mà ngay cả tại thủ đô Islamabad, đang chiụ sức ép ngoại giao mạnh mẽ của Washington.
 
Trong mắt dư luận Pakistan, Hoa Kỳ là người gây ra cuộc chiến hiện nay. Libération đã trích lời một sĩ quan trẻ ngườI Pakistan, cho biết là ''làm sao họ có thể chấp nhận những lời chỉ trích, phê phán của bà Hillary Clinton, trong lúc mà mỗi ngày lính của họ bị chết ngoài trận địa, trong một chiến do đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ gây ra''.
 
Ấn Độ : thầy bói được mùa nhờ bầu cử
 
Tờ Le Monde hôm nay đã liếc mắt nhìn sang nước Ấn Độ đang bầu lại quốc hội mà kết quả sẽ được thông báo vào ngày 16 tới đây. Nhưng điểm gây chú ý nơi tờ báo Pháp và cũng rất lý thú là giới thầy bói, chiêm tinh gia đã hốt bạc trong kỳ bầu cử này.
 
Trong thời buổi cử tri hoang mang, và các chuyên gia chính trị không dám đưa ra một lời tiên đoán nào, thì các chiêm tinh gia là những người đươc tham khảo ý kiến nhiều nhất. Khách hàng đặc biệt là giơí chính khách. Trích dẫn tạp chí Ấn độ, Tehelka, Le Monde cho biết là muà bầu cử đã mang lại cho các nhà tiên tri này 100 triệu euros.