Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Họa sĩ Lê Bá Đảng, một người lính thợ Việt Nam bị đưa qua Pháp trước 1945

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 25/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày  25/05/2009 17:02 TU

Họa sĩ Lê Bá Đảng

Họa sĩ Lê Bá Đảng

Việt Nam được nói đến một cách gián tiếp qua hai trang báo trên Libération, nhân dịp cuốn « Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France » (Bị cưỡng bức di cư, những người lính thợ Đông Dương tại Pháp) của Pierre Daum được xuất bản tại Pháp.

Các trang nhất của báo chí hôm nay chủ yếu được dành cho kết quả của cuộc tranh giải tại Liên Hoan Cannes và đặc biệt cho đạo diễn Michael Haneke, người nhận được giải Cành Cọ Vàng.

Việt Nam được nói đến một cách gián tiếp qua hai trang báo trên tờ Libération, đề cập đến số phận của những người bị cưỡng bức di cư sang Pháp. Đó là những người dân ở Đông Dương bị chính quyền thực dân Pháp tuyển mộ trong thời kỳ đệ nhị thế chiến để đưa sang Pháp, thay thế công nhânn ước này bị gọi nhập ngũ.

Trong số gần 20 000 lính thợ đến từ Việt Nam, họa sĩ Lê Bá Đảng nằm trong số khoảng năm mươi người còn sống sót.

Nhân dịp được xuất bản tại Pháp cuốn sách mang tên là « Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France » (Bị cưỡng bức di cư, những người lính thợ Đông Dương tại Pháp) mà tác giả là Pierre Daum, báo Libération đã đến phỏng vấn họa sĩ Lê Bá Đảng.

Năm nay 89 tuổi, ông được mô tả như là một người còn nhiều sức sống và luôn tươi cười. Phải chăng tiếng cười là bí quyết giúp cho ông sống lâu và khoẻ như vâỵ ? Ông cười và cho biết ông luôn tin tưởng rằng « trong bất cứ tình huống nào, người ta cũng có cách xoay sở ».

Đến nay ông không muốn khơi lại những năm đen tối của tuổi thanh niên, khi ông đặt chân đến Pháp vào năm 1940. Lý do là vì thời gian đó quá kinh khủng đối với ông.

Họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong những thanh niên Việt Nam hiếm hoi vào lúc đó đã tự nguyện xin đi Pháp trong khuôn khổ chính sách mang tên tiếng Pháp là main d’œuvre indigène, tức nhân công đến từ các xứ thuộc địa, với tên gọi tắt là MOI. Do vậy mà có người đã tự chế giễu là đi làm  « mọi » cho thực dân Pháp.

Ông Đảng kể lại với nhà báo Libération : « Ở tuổi 18, tôi mơ được đi phiêu lưu và tôi chỉ nghĩ đến một chuyện là chạy thoát khỏi ngôi làng nhỏ bé của tôi ở miền trung Việt Nam ».

Đại đa số những người lính thợ là nông dân mù chữ.

Nhưng, theo ông Pierre Daum, tác giả cuốn sách nêu trên, 96% những đồng đội của ông Đảng là nông dân mù chữ bị cưỡng bức đưa sang Pháp.

Nguyên nhân là vì tháng 9 năm 1939, Georges Mandel, bộ trưởng bộ thuộc địa, nuôi tham vọng đưa 500 000 công nhân đến từ các nước thuộc địa hải ngoại sang Pháp để góp sức vào nỗ lực chiến tranh của mẫu quốc chống Đức quốc xã. Nhưng trên thực tế Nhà nước Pháp lúc đó chỉ tuyển mộ được khoảng 10 %, và trong số này đông nhất là người đến từ Đông Dương, đông hơn người Maroc và người Angiêri.

Ông Lê Bá Đảng còn nhớ là vào năm 1939, khi nhân viên của chính quyền Pháp đến ngôi làng của ông ở miền trung Việt Nam, tất cả những gia đình có ít nhất hai con trai nhận được lệnh là phải cống hiến một người cho mẫu quốc. Và ông Đảng đã ký giấy tình nguyện ra đi mà không cho gia đình biết.

Một sĩ quan Pháp, được trích dẫn trong quyển sách của Pierre Daum, đã mô tả những tên « nhà quê » lênh đênh trên biển trong hơn một tháng, sống chật chội trong khoang hầm tàu và « bị đối xử không khác gì những nô lệ đến từ châu Phi trên các chiếc tàu buôn người ».

Tháng ba năm 1940, ngày đặt chân lên đất Pháp, nước biểu tượng cho tự do và bình đẳng, chỉ để lại ở ông Lê Bá Đảng những kỷ niệm lạnh buốt vì ông kể lại : « Trời rét kinh khủng, cây cối trụi lá, không có chim hót, tôi tự nhẩm : không thể nào sống tại một nước như vầy được. »

Nhân công Việt Nam được đưa vào các nhà máy chế tạo chất nổ.

Cả nhân công Việt Nam được đưa vào một ngôi nhà vừa mới xây xong tại Marseille : đó là nhà tù mới có tên là Les Baumettes. Được chia ra thành những đội khoảng 250 người, họ được phân đến các xưởng làm chất nổ ở nhiều nơi trên nước Pháp để làm một công việc nặng nhọc và nguy hiểm là đổ thuốc súng vào đạn pháo và các lọai đạn khác. Từ nông dân, họ trở thành « công nhân không lành nghề » (ouvriers non spécialisés, mà tên gọi chính thức là ONS).

Sau thất bại của quân đội Pháp, chính phủ Vichy đã nảy ra ý sử dụng tay nghề của nông dân a-na-mít để trồng lúa ở vùng Camargue, miền nam nước Pháp.

Sau đó ông Lê Bá Đảng được may mắn đi theo một người bạn Việt đi học vẽ và năm 1948 ông đoạt giải thưởng trong một cuộc thi vẽ áp-phích nông nghiệp. Sau một thời gian sống lận đận với nghề vẽ tại khu sinh viên Quartier Latin ở Paris, ông trở thành một họa sĩ nổi tiếng trên thị trường nghệ thuật tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Ngày hôm nay ông Lê Bá Đảng hãnh diện có được một viện bảo tàng ờ Huế dành cho tác phẩm của ông.

Hàn Quốc chuản bị một kế hoạch tăng trưởng tôn trọng môi trường.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nước Á châu phải tính đến một chính sách phát triển khác.

Đó là trường hợp của Hàn Quốc vì, như tờ Le Monde cho biết, nước này đang chuẩn bị một kế hoạch rộng lớn nhắm đến một sự tăng trưởng tôn trọng môi trường và sẽ đầu tư 28 tỷ eurô từ nay đến năm 2012 vào các công nghệ bảo vệ sinh thái.

Kế hoạch của Séoul được cả thế giới chú ý và được Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu ca ngợi. Nhất là người ta không quên rằng Hàn Quốc chưa bao giờ ký tên vào Nghị định thư Kyoto.

Với một tăng trưởng bị giảm sút 2% trong năm 2009, chính phủ Séoul hy vọng là kế hoạch nói trên sẽ tạo gần một triệu chỗ làm và sẽ thực hiện hai mục tiêu : đó là bảo đảm sự độc lập về năng lượng cho Hàn Quốc và đưa nước này lên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ « sạch ».

Qua tờ Le Monde, độc giả cũng được biết là tại Trung Quốc, lệnh cấm sử dụng bao plastic, vốn được ban hành từ tháng 6 năm 2008, đã giúp cho nước này thực hiện được một khoản tiết kiệm tương đương với 1,6 triệu tấn dầu hỏa. Và như vậy là khối lượng bao plastic đã giảm đi hai phần ba, nghĩa là khoảng 40 tỷ đơn vị.

Bắc Kinh khuyến khích dân chúng mua xe hơi nhỏ.

Đề tài biến đổi khí hậu là chủ đề chính trên tờ công giáo La Croix, vì Paris tổ chức hôm nay và ngày mai một cuộc họp nhằm chuẩn bị cho « Diễn đàn của 17 nền kinh tế hàng đầu thế giới về năng lượng và khí hậu. »

Nhân sự kiện này La Croix đưa tin là Bắc Kinh  khuyến khích dân chúng mua những chiếc xe hơi nhỏ, tiêu thụ ít nhiên liệu. Và xe hơi nhỏ cũng là một mặt mạnh của ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc.

Cũng chính tờ La Croix cho biết là sự kiện trái đất bị hâm nóng với một nhịp độ nhanh hơn là chúng ta chờ đợi. Cho nên một chuyên gia về khí hậu, ông Jean Jouzel, được tờ báo phỏng vấn, đã đưa ra một tiếng kêu báo động. Từ nay đến cuối thế kỷ, mực nước biển có thể tăng hơn một thước, như lời dự đoán trong một bài báo đăng trên tạp chí Science (Khoa học).

Tổng thống Mỹ và cách mạng xanh.

« Ông Obama đã phát động cuộc cách mạng xanh » : đó là hàng tựa lớn trên tờ Le Figaro. Đối với tổng thống Mỹ, Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong cuộc đấu tranh thế giới chống hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo đặc phái viên của tờ báo, ông Barack Obama bảo vệ một số biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính và đồng thời giảm sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào các nước xuất khẩu dầu hỏa.

Hy vọng lớn của Nhà Trắng là cuộc cách mạng « xanh » sẽ tạo ra khoảng 8 triệu công ăn việc làm trong năm năm tới. Nhưng ông Obama cũng biết rõ rằng chiến lược do ông đề ra sẽ không hy vọng thành công nếu nó do chính phủ áp đặt. Và, cũng như mấy lần trước, phương pháp của ông là phối hợp tất cả nhân vật có liên quan đến chính sách mới này, từ các lãnh đạo nghị viện thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, thống đốc các bang California, Michigan và Massachussets, chủ tịch của các hãng chế tạo xe hơi, đến các bộ trưởng giao thông và môi trường, lãnh đạo công đoàn và các tổ chức bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng trên báo Le Figaro, người ta được biết là, từ Empire State Building đến các khu phố nghèo ở Bronx, thành phố New York nuôi giấc mộng trở thành ngọn đền pha cho sự phát triển bền vững tại một quốc gia đang bị châu Âu qua mặt trong lĩnh vực này.

Nền kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều thời gian để ra khỏi khủng hoảng.

Còn về tình hình kinh tế Mỹ, với tình trạnh thất nghiệp ngày càng gia tăng, việc thoát ra khỏi khủng hoảng sẽ bị chậm trễ so với những gì chính quyền của ông Barack Obama đã dự tính. Đây là nội dung của hàng tựa trên tờ Le Monde.

Cho dù Wall Street tỏ ra lạc quan, nhưng một số kinh tế gia, dựa trên mức tăng trưởng, trên tỷ lệ thất nghiệp và trên đà lạm phát, dự trù là tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị khựng lại trong một thời gian dài.