Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

MÔI TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Ô nhiễm : thảm họa mà dân Trung Quốc ngày càng phải gánh chịu

  Mai Vân

Bài đăng ngày 06/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  06/09/2009 16:55 TU

Nước thải nhà máy gây ô nhiễm các nguồn nước sông (DR)

Nước thải nhà máy gây ô nhiễm các nguồn nước sông (DR)

60.000 cư dân vùng Vạn Sơn bị thủy ngân đầu độc. Tạp chí Pháp Le Courrier International trích dẫn báo Trung Quốc Tài Kinh, đã nêu bật thảm hoạ mà dân Trung Quốc sống gần các khu mỏ phải hứng chiụ. Vạn Sơn, Quý Châu, là những nơi có mỏ thủy ngân nổi tiếng, mà Trung Quốc rất tự hào trước đây. Thế nhưng di sản mà việc khai thác thủy ngân để lại vô cùng tai hại, cho dù ngày nay, các mỏ này đã bị đóng cửa vì bị lỗ lã.

Le Courrier minh họa cho thảm cảnh chung bằng trường hợp của  bà  Wu Yang Chun, 76 tuổi. Bà  và chồng, cũng như bao người khác trong làng của họ, làm việc tại các mỏ. Năm 1997, chồng bà đã bị ung thư cuống họng và chết trong vòng 3 tháng. Hiện nay thì bà Chun cũng đang mang chứng bệnh ngặt nghèo này. Hai, ba năm gần đây, thì trong chung cư bà ở, đã có 15 người chết do nhiễm độc thủy ngân.

Theo số liệu cơ quan y tế tại vùng này, thì trên 60.000 dân cư khu kinh tế đặc biệt Vạn Sơn, có cơ sở sản xuất thủy ngân lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Trung Quốc, thì có khoảng 200 người có dấu hiệu bị nhiễm độc. Con số này theo bài báo, không đúng với thực tế vì nó không kể đến những người đã chết và những ngườI bị nhiễm độc  nhưng dấu hiệu chưa bộc phát rõ.

Bài báo nhắc lại là Vạn Sơn từng được mệnh danh, 'thủ đô thủy ngân của Trung Quốc', điều này quả không ngoa, vì trữ lượng thủy ngân ở đây rất quan trọng, có thể nói là bậc nhất ở Châu Á và bậc nhì trên thế giới. Thời thịnh nhất, thì Vạn Sơn sản xuất đến 70% lượng thủy ngân hàng năm của thế giới.

Nhưng trữ lượng bắt đầu cạn dần cuối thập niên 80 và vào những năm 2000, thì các mỏ thủy ngân Quý Châu bị thua lỗ lên đến cả trăm triệu yuan, nợ bắt đầu chồng chất : 157 triệu yuan. Đến giữa năm 2005, Trung Quốc quyết định đóng các mỏ thủy ngân Quý Châu, nhũng mỏ đã được khai thác từ 600 năm qua, theo bài báo.

Người dân Vạn Sơn không còn ăn rau quả trồng trọt tại chỗ

Đấy là lịch sử oanh liệt của vùng mỏ thủy ngân Quý Châu. Nhưng, như nêu trên, con số 10.000 người lao động khai thác mỏ và  60.000 cư dân đã nhìn thấy cái giá mà phải trả cho thờI kỳ vàng son trước đây. Giá này rất là đắt trên mặt hủy hoại môi sinh và sức khỏe con người.

Theo số liệu năm 2004, bệnh ung thư ở vùng này đặc biệt cao hơn nhũng nơi khác. Chất thải độc hại, không đươc xử lý chảy thẳng ra ngoài, các mạch nước bị nhiễm thủy ngân, rau quả bị nhiễm độc, đặc biệt là loại bắp cải. Hiện nay theo bài báo, 90% rau quả bán ở Vạn Sơn là từ nơi khác chở đến. Câu nói không nên uống nước Vạn Sơn không nên ăn rau quả sản xuất tại đây vẫn cònhiệu lực đối vớI người Vạn Sơn. 

Bài báo nêu  lượng chất thải độc hại thải ra  trong 45 năm qua, từ thời thịnh vượng cho đến khi các mỏ bị đóng, đã có hơn 20 tỷ mét khối hơi nước chứa thủy ngân thải ra trong không khí, hơn 4 triệu mét khối cặn bã công nghiệp, 52 triệu tấn nước bẩn chảy ra môi trường. Chất thải không đươc xử lý, lượng thủy ngân thải ra như thế ít nhất là 350 tấn, tức chiếm 10% tổng lượng chất thải thủy ngân gây ô nhiễm mỗi năm trên toàn hành tinh ! 

Tuy nhiên theo bài báo, không phải chỉ có số 60.000 dân Vạn Sơn chiụ hậu quả. Nước thải mang theo thủy ngân gây ô nhiễm cả thung lũng trong một phạm vi 180 cây số vuông. Nguy hại hơn nữa là các dòng nước ở Vạn Sơn đổ ra sông Yuan, nằm trong hệ thống phụ lưu của sông Dương Tử. Thủy ngân sẽ rót vào hồ Động Đình ở Hà Nam và chảy vào dòng chính con sông lớn này. Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về hệ quả thủy ngân chất chứa ngày càng nhiều trong lớp phù sa sông.

Tân chính phủ Nhật phải minh bạch hóa hoạt động chính trị

Nước Châu Á khác được quan tâm hôm nay là Nhật bản. Tạp chí Le Courrier, trích dẫn tờ báo Nhật Asahi Shimbun, nêu lên những công trình lớn đang chờ đợi tân chính phủ.

Theo bài báo, qua ý muốn mãnh liệt của mình, cử tri đã mở một trang mớI trong lịch sử chính trị Nhật Bản :  thay đổI chính phủ và cho họ một chiến thắng áp đảo để có thể thực hiện chương trình cải tổ cam kết. Do đó, theo bài báo, tân chính phủ phải hoạt động một cách minh bạch, tránh sai lầm các ngườI tiền nhiệm.

Tác giả bài báo cũng công nhận, không thể thay đổI ngay mọi việc, và muốn đạt kết quả nhanh chóng, đảng Dân chủ có thể phạm một số sai lầm. Để tránh việc này, tờ Asahi đưa ra một số đề nghị hữu ích : theo tờ báo khúc quanh quan trọng nhất là vào cuối tháng 12, lúc ấy là ngân sách cho năm tới đã hoàn tất. Vào giữa tháng 9 này nộI mới sẽ đươc thành lập. Như thế tân thủ tướng có khoảng 100 ngày để chuẩn bị khẳng định quyền lực của mình, đề ra một lịch trình ưu tiên mà ông phải tuần tự thực hiện. 

Bài báo nhận thấy có 3 việc lớn mà ông Hatoyama phải thực hiện :thứ 1 là minh bạch hoá hoạt động chính trị và guồng máy hành chính, thông tin rõ ràng từ những vụ xì căn đan về hố sơ hưu bổng cho đến những thoả thuận với Hoa Kỳ trên vấn đề vũ khí nguyên tử, điều mà các chính quyền trưóc đây đều giấu nhẹm.

Thứ hai là ông Hatoyama phải thực hiện những lời cam kết, nhưng cũng phải xem xét vấn đề chi tiêu, tình trạng của ngân sách hiện nay và phải minh bạch trên vấn đề này.

Và thứ ba như ông đã thông báo trong chương trình của mình là thành lập những cơ quan có vai trò quyết định như Ban chiến lược quốc gia, hay Hội đồng cải tổ hành chính, và ông Hatoyama phải hành động nhanh chóng.  

Theo bài báo việc cải tổ này rất quan trọng. Trước đây thì quyền hạn vừa năm trong tay của Đảng cầm quyền, vừa nằm trong tay hành pháp, tức thủ tướng. Bây giờ thì quyền quyết định chính trị chỉ sẽ nằm trong tay thủ tướng.

Trong trang sử mới vừa đươc mở ra, tờ Asahi cũng nhìn thấy vai trò của đảng thất cử, và kêu gọi đảng Tự do Dân chủ rút kinh nghiệm thất bại hầu thay đổi, để có thể đóng vai trò đảng đối lập đáng tin cậy.

Tạp chí Anh, The Economist, đã dành trang bià nói đến cuộc bỏ phiếu đã thay đổI Nhật Bản.

Thoạt nhìn, theo tạp chí Anh, thì người thắng cử lần này cũng là con một thủ tướng Nhật trước đây. Đây là một thông lệ trên chính trường  Nhật Bản, con cái các vị lãnh đạo, cũng như thời cha anh, cứ lên xuống thay thế nhau. Nhìn cảnh này thì phải chăng thắng lợi của ông Hatoyama, không có gì đáng nói ? Nêu câu hỏi, nhưng The Economist cũng nêu câu trả lời : nhìn như thế là sai.

Tạp chí Anh đưa ra 3 lý do giải thích tại sao Nhật Bản đã thay đổi lớn.

Như đồng nghiệp Nhật bản, tờ Asahi, the Economist nêu bật thắng lợi to lớn của đảng Dân chủ, số ghế áp đảo họ giành đươc ở Quốc hội.

Điều này đã cho thấy sự thay đổi sâu xa trong quan niệm chính trị ở Nhật. Do đó, khi gạt bỏ đảng Tự do Dân chủ cầm quyền từ hơn nửa thế kỷ, cử tri Nhật không chỉ gạt bỏ một đảng phái mà đã bác bỏ cả một hệ thống chính trị. Điều mà họ mong muốn thì chưa từng thấy ở Nhật : đó là một chính quyền cởi mở, đáng tin cậy.

Ekíp ông Hatoyama phải gánh vác trọng trách sáng tạo ra chính quyền mới này,  nhưng liệu ông và êkíp của ông, có đáp ứng đươc nguyện vọng và đòi hỏi mới này hay không ? The Economist cảm thấy hơi lo ngại, vì cũng như đa số cử tri Nhật, người ta chưa biết nhiều về êkíp sẽ cầm cương nẩy mực tại cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Nhiều tín hiệu khả quan, nhưng kinh tế thế giới chưa sớm hồi phục

Kinh tế là chủ đề lớn các tạp chí tuần này. Trước những dấu hiệu có vẻ khả quan của kinh tế thế giới, câu hỏi chung là sự vươn lên có vững chắc hay không ?. Và đánh giá vẫn dè dặt thận trọng.

Tạp chí Le Nouvel Observateur nêu vấn đề trong hồ sơ chính, và chạy tựa trang bià : ra khỏi khủng hoảng. Tạp chí nhìn lại cách đây một năm, thế giới đứng bên bờ vực thẩm. Ngày nay, mặc dù thất nghiệp gia tăng, nhưng thời kỳ đen tối nhất có lẽ đã qua rồi.

Đây là một thực tế mà theo le Nouvel Observateur, các chuyên gia đều công nhận. Tuy nhiên, tạp chí cũng nhắc lại là Giải Nobel Kinh tế, Joseph Stiglitz đã cảnh báo không nên quá lạc quan. Các quốc gia phương Tay chưa thể hy vọng nối lại với tăng trưởng trong nay mai, và cũng khó hy vọng đạt được mức của những năm trước khủng hoảng.

Nhìn về Hoa Kỳ, khó khăn vẫn còn nhiều. Lãnh vực tài chính vẫn chưa lành mạnh, chưa thoát nạn. Vấn đề lớn nữa là thất nghiệp. Đối với nhiều người, ra khỏi suy thoái đồng nghiã với việc có đươc việc làm. Nhưng dù có tạo được thêm 3,6 triệu công việc làm như dự kiến trong kế hoạch của tổng thống Obama, thì cũng không bù đắp số việc làm đã mất năm 2008, đó là chưa kể những người mới bước vào thị trường lao động mỗi năm.

Ông  Stiglitz ước tính Hoa Kỳ phải mất 4 năm mới nối lại với tăng trưởng kinh tế, và như nói trên, sẽ không đạt được mức vào thời trước khủng hoảng.

Còn Âu Châu thì như thế nào. Theo le Nouvel Observateur, chủ trương ở Pháp và Đức qua các biện pháp hổ trợ ngành xe hơi, với khoảng tài trợ cho những người mua xe hơi mới, vứt đi xe cũ, thì hai quốc gia này ra khỏi suy thoái sớm hơn dự kiến. Nhưng câu hỏi là có sẽ thực sự tăng trưởng hay đó chỉ là một ngọn lửa rơm bùng lên với các khoản thưởng nói trên.

Hiện nay theo tạp chí, thì Châu Á đã vươn lên mạnh mẽ. Đây là một điều chắc chắn. Trung Quốc đã vươn lên. Nhưng le Nouvel Observateur cho là không nên mơ tưởng, một mình Trung Quốc không thể kéo cả thế giới đi lên.

Tạp chí Le Courrier cũng dành hồ sơ lớn cho kinh tế thế giới, phân tích không mấy là lạc quan, nói đến 'sự phục hồi què quặt '.

Theo Le Courrier, đà tuột dốc kinh tế thế giới dường như đã chạm đáy. Nhưng đó có lẽ là tin vui duy nhất, vì người dân tại nhiều quốc gia không thấy cuộc sống của mình sáng sủa hơn chút nào cả. Tăng trưởng sẽ đi kèm với thất nghiệp gia tăng. Và điều đáng ngại hơn nữa là tăng trưởng sẽ phải dựa vào mức tiêu thụ trong nước, một khi các kế hoạch kích thích hiện nay hết hiệu quả. Theo le Courrier, có đến 1/5 thanh niên Châu Âu không có việc làm.

Le Courrier International nhìn thấy là sức khỏe kinh tế thế giới giờ đây dựa vào các nước Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc.Tuy nhiên, không phải là mọi việc đều tốt cả. Tạp chí tỏ ra thận trọng trước nhũng số liệu của Trung Quốc, thường khi giả mạo ở cấp điạ phương.

Nhìn qua Nhật Bản, Le Courrier nhận thấy là dù có tăng trưởng trong quý hai nhưng tương lai kinh tế Nhật không sáng sủa mấy, vì tiêu thụ trong nước vẫn còn yếu. Còn nhìn tương lai Ấn Độ, tuy thoát đươc suy thoái, nhưng trên mặt đào tạo còn yếu, cho nên, theo le Courrier, quốc gia Nam Á này phải nổ lực nhiều hơn nữa để đào tạo đội ngũ nhân công trẻ, lành nghề, có sức cạnh tranh tốt.