Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thuế carbon, một bước tiến quan trọng làm giảm phát thải khí hâm nóng trái đất

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 11/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 16:49 TU

Tổng thống Sarkozy hôm qua vừa loan báo quyết định về thuế carbone.Reuters

Tổng thống Sarkozy hôm qua vừa loan báo quyết định về thuế carbone.
Reuters

Tổng thống Pháp quyết định đánh thuế carbon 17 euro vào mỗi tấn khí thải CO2 kể từ tháng giêng năm tới. Đây là đề tài trải rộng trên các nhật báo Pháp hôm nay. Libération dí dỏm với bức họa cho thấy một ông tổng thống nhỏ xíu, xanh từ đầu đến chân, đang đỡ một chiếc lá xanh tươi khổng lồ, với hàng tựa : " Sarkozy bước đầu trong việc bảo vệ sinh thái ".

Hiện nay, ngoài Bắc Âu, mới chỉ có nước Pháp tiên phong trong lĩnh vực đánh thuế vào khí thải. Tác giả xã luận trên Libération nhìn nhận, " thuế carbon gây nhiều tranh cãi, có nhiều người bênh, thì cũng lắm kẻ chống. Tranh cãi là một việc làm chính đáng. Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là quyết định hôm qua của ông Sarkozy là một bước tiến đáng được khích lệ trong công cuộc cải thiện môi trường, nhất là đề tài liên quan đến sinh mệnh của toàn thể nhân loại".

Tờ Le Figaro vốn có lập trường thân chính phủ đưa tít : " Thuế carbon, thách thức về mặt môi trường của Sarkozy ". Tờ báo Cộng sản L'Humanité không khoan nhượng : các hộ gia đình là nạn nhân đầu tiên của loại thuế mới này, trong khi đó các doanh nghiệp lại có lợi. Đành rằng họ phải đóng thuế vì thải khí gây ô nhiễm môi trường, hâm nóng trái đất, nhưng sẽ trút gánh nặng này lên lưng người tiêu dùng. Bên cạnh đó Nhà nước sẽ giảm hoặc miễn nốt số thuế đánh vào các doanh nghiệp.

Lập luận trên hoàn toàn trái ngược với quan điểm của báo La Tribune. Theo tờ báo kinh tế này, Nhà nước không trợ giúp gì nhiều cho các doanh nghiệp trong cuộc " cách mạng xanh " lần này. Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài xã luận phân tích : vào lúc nước Pháp đang phải đối phó với khủng hoảng, quyết định tăng thuế là một hành động can đảm và khéo léo từ phía chủ nhân điện Elysée.

Về mặt chính trị, một lần nữa ông Sarkozy đang qua mặt nhiều đối thủ để chuẩn bị cho các cuộc tranh cử trong tương lai tại Pháp. Trên phương diện quốc tế, Nicolas Sarkozy cũng được khen, ba tháng trước hội nghị quốc tế về khí hậu ở Copenhagen.

Vấn đề đặt ra là liệu biện pháp đánh thuế kể trên có mang lại những hiệu quả mong đợi về mặt môi trường hay không ? Theo báo Les Echos, câu trả lời là không, bởi vì " tăng thêm 4 xu tiền thuế cho mỗi lít xăng sẽ không làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng " và đây là một biện pháp mà chẳng ai vừa lòng.

Les Echos tiếc là những bước đầu của cuộc cách mạng xanh ở Pháp gây chia rẽ, thay vì tập hợp được nhiều thành phần.

Thuế xanh và đời sống hàng ngày

Báo chí nói nhiều đến mức  thuế 17 euro đánh vào mỗi tấn CO2 thải ra. Libération nêu lên vài con số cụ thể : khi sưởi cho một cao ốc trong bốn tháng rưỡi, hay chạy 7200 cây số với một chiếc xe hơi nhỏ chạy bằng xăng là người ta thải ra 1 tấn CO2. Một căn hộ ở chung cư khoảng 80 m vuông, có ba người ở một năm sẽ phải chi thêm khoảng 20 euro vì thuế carbon. Khoản tiền phụ trội này sẽ là 157 euro nếu bạn ở một căn nhà riêng, rộng khoảng 120 thước vuông. Còn nếu chạy xe máy loại nhỏ, tốn khoảng 4l xăng/100 km, thuế phải đóng thêm sẽ là 8 euro. Chạy xe hơi thì phải tính khoảng trên dưới 50 euro một năm.

Đương nhiên, cần mỗi người một tay để cùng góp phần cứu vãn  hành tinh của chúng ta. Chẳng thế mà theo Le Figaro, cũng hôm qua, Ủy ban Châu Âu đề nghị trợ giúp các nước nghèo đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hoa Kỳ sẽ đối thoại với Bắc Triều Tiên?

Thời sự quốc tế hôm nay, các báo Pháp bình luận nhiều về sự kiện cách nay hai hôm, tổng thống Barack Obama đích thân thuyết phục Quốc hội lưỡng viện Mỹ về tính chính đáng của kế hoạch cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế. Riêng Le Figaro chú ý đến chính sách mới của Washington đối với Bình Nhưỡng với tưạ: " Hoa Kỳ sửa soạn đối thoại với Bắc Triều Tiên ".

Theo thông tín viên của tờ báo từ Seoul, ngoài mặt, chính quyền Mỹ vẫn chủ trương cô lập Bắc Triều Tiên và guồng máy lãnh đạo của ông Kim Jong Il. Nhưng trên thực tế, Washington cho rằng đã đến lúc phải đàm phán với chế độ khép kín nhất thế giới này, tránh để Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đồng thời, cũng đã đến lúc chủ nhân Nhà Trắng muốn trông thấy chính sách ngoại giao thân thiện của ông mang lại một vài kết quả cụ thể.

Vẫn theo tác giả bài viết, mục tiêu chính của vòng công du ba nước Á châu vừa qua của đặc sứ Mỹ về vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên là để " mở đường cho việc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng " và rất có khả năng " cuộc đối thoại đó sẽ diễn ra trong một vài tuần lễ nữa ".

Thái độ hòa dịu này của Hoa Kỳ đang khiến một vài đồng minh của Washington trong khu vực, đứng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc, đau đầu. Viễn cảnh Bình Nhưỡng và Washington xích lại gần nhau cũng đang đặt Bắc Kinh vào thế khó xử, do Trung Quốc vẫn muốn Bắc Triều Tiên phải được đặt trong vòng kềm tỏa, hay ít ra là trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Khủng bố 11/9

Không nhắc, hàng năm cứ vào ngày 11/9, cả thế giới lại nhớ đến loạt tấn công khủng bố kinh hoàng cách nay đúng 8 năm nhắm vào hai tòa nhà chọc trời World Trade Center tại New York. Nhật báo Anh ngữ International Herald Tribune đăng ảnh một người lính cứu hỏa New York đặt một bó hoa trước bức tường tưởng niệm các nạn nhân khủng bố.

Nhật báo New York Times chọn một chỗ đứng riêng biệt trong quang cảnh truyền thông khi nhận xét là đã có quá nhiều bài báo, quá nhiều tác giả chú ý đến ngày mà người Mỹ gọi là " Nine One One ", nhưng chẳng mấy ai chú ý đến cái ngày hôm sau, tức là khi Hoa Kỳ thức dậy với cái tin khủng khiếp đã diễn ra trước đó chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Đó là ngày 12/9/2001, " ngày mà toàn bộ hệ thống giao thông của thành phố vẫn còn bị giới hạn, thị trường chứng khoán New York, các phi trường và trường học đều đóng cửa. Các sinh hoạt văn nghệ trên con đường nổi tiếng Broadway đều bị hủy bỏ. Trên đường phố, sự hiện diện của lực lượng an ninh tăng lên gấp mấy lần so với bình thường, tàu của hải quân Hoa Kỳ tấp nập qua lại các bến cảng của thành phố".

Tám năm sau, dấu ấn rõ rệt nhất của biến cố 11/9 còn đọng lại, theo nhận xét của tờ báo Anh, The Independent, đó là cuộc xung đột tại Afghanistan, hậu quả trực tiếp của loạt khủng bố nhắm vào New York. Afghanistan vẫn là đề tài nóng bỏng trong phần tin thời sự quốc tế.

25 tuổi trở thành triệu phú

Trong vài ngày nữa, hoàng tử Harry, con trai út của cố công nương Diana và thái tử Charles tròn 25 tuổi. Đấy là cái tuổi cho phép Harry bước vào câu lạc bộ của các nhà triệu phú. Le Figaro trích lại tin từ tờ Daily Telegraph, theo đó, khi tròn 25 tuổi Harry, được hưởng gia tài khoảng độ 9 triệu bảng Anh mà người mẹ trẻ đẹp của cậu để lại.

Năm 1997, khi đột ngột qua đời vì tai nạn xe cộ, công nương Diana đã để lại tài sản khổng lồ khoảng độ 21 triệu bảng. Khoản tiền này được chia đều cho hai người con trai là hoàng tử William và Harry. Theo luật của Anh, phải đợi đến 25 tuổi Harry mới chính thức được hưởng gia tài của mẹ. Nhưng theo quyết định của hoàng gia Anh Quốc, Harry phải đợi thêm 5 năm nữa, tức là phải đến 30 tuổi, cái tuổi được coi là trưởng thành và chín chắn, cậu hoàng tử này mới toàn quyền sử dụng số tiền bạc triệu nói trên.