Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Các nước nghèo vừa là nạn nhân đầu tiên vừa là tác nhân

  Anh Vũ

Bài đăng ngày 20/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 16:43 TU

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc Ảnh : Reuters

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc
Ảnh : Reuters

Trên đây là nhận định của tuần báo The Economist trong một bài viết về thay đổi khí hậu và phát triển. Mọi người đều hiểu các họat động phát triển kinh tế ở những nước chậm phát triển cũng đang góp phần vào sự biến đổi khí hậu và quy mô của nó hiện giờ đang ngày càng lớn hơn.

Bài báo cho biết, các nước đang phát triển hiện phát thải ra gần một nửa lượng khí carbon trên tòan địa cầu. Lấy thí dụ như Brasil, lượng khí CO2 thải ra tính trên đầu người dân còn cao hơn cả nước Đức.

Về mức độ thiệt hại của hiện tượng khí hậu ấm lên đối với những nước nghèo, trong một bản báo cáo đưa ra năm 2006 thì nhiệt độ trái đất tăng thêm 2°C thì sẽ làm thiệt hại 1% tổng sản phẩm thu nhập của tòan thế giới. Ngân Hàng Thế Giới vừa đưa ra một báo cáo mới đánh giá biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 4% tổng thu nhập quốc dân của châu Phi và riêng Ấn Độ, con số này lên tới 5%.

Theo tờ báo, tính được giá trị thiệt hại kinh tế từ hiện tượng biến đổi khí hậu là rất khó, vì người ta vẫn chưa nắm bắt được có bao nhiêu nhân tố góp phần vào hiện tượng này. Nhưng người ta có thể tính được qua số lượng nạn nhân của các trận thiên tai. Chẳng hạn, từ năm 1981 đến 1985, trên thế giới có khoảng 5 triệu người cần được cứu trợ thiên tai. Còn từ năm 2001 đến 2005, con số trên đã tăng đến 1,5 tỷ người.

Vẫn theo bài báo thì người nghèo hiển nhiên là dễ bị thiệt hại hơn người  giàu. Lấy một ví dụ trong trận bão Mitch tàn phá Honduras vào năm 1998, các gia đình nghèo bị mất 20% tài sản, trong khi người giàu bị thiệt hại có 3%.

Khí hậu trái đất ấm lên càng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh dịch nguy hiểm vốn đã và đang lan tràn ở các nước nghèo.

Theo đánh giá của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, từ nay đến năm 2070, 60% dân số thế giới sẽ rất dễ bị mắc bệnh dịch do hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Khí hậu trái đất tăng dẫn đến tan băng và hậu quả là lụt lội. Theo các nhà nghiên cứu thì vẫn lại chủ yếu là các nước nghèo bị ngập lụt nhiều nhất. Trong khi đó ngân sách quốc gia của các nước này thì hạn hẹp không cho phép tự bảo vệ được mình.

Thời tiết khí hậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các họat động kinh tế chủ yếu của các nước đang phát triển như nông nghiệp  hay du lịch.

Không chỉ có lụt lội, chu trình khí hậu bị đảo lộn còn dẫn tới hạn hán thất thường. Quá trình tan băng còn làm cho dự trữ các nguồn nước bị cạn kiệt dần, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt.

Những tác động về mặt thời tiết do hiện tượng trái đất nóng lên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số thế giới ngày một tăng. Trong vòng ba bốn thập kỷ tới, sản xuất nông nghiệp thế giới cần phải tăng gấp đôi mới nuôi sống đủ dân số tòan cầu theo đà tăng hiện nay.

Các nước đang phát triển muốn tham gia giảm thiểu tác động của hiện tượng trái đất ấm lên thì lại vấp phải chuyện tài chính. Đây cũng sẽ là chủ để chính được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen tới đây.

Theo tính tóan của Ngân Hàng Thế Giới, để duy trì khí hậu tăng ở mức 2°C thì các nước đang phát triển cần phải có từ 140 đến 675 tỷ đô la mỗi năm, trong khi hiện nay, các nước nghèo chỉ được đầu tư khỏang 8 tỷ để góp phẩn làm giảm hiện tượng biến đổi khí hậu mà thôi.

Ngòai ra còn một bất đồng nữa giữa các nước nghèo và nước giàu trên vấn đề đánh giá mức độ phát thải khí gây ô nhiễm và các điều kiện ràng buộc trong việc trợ giúp tiền để giảm hoặc thích ứng với việc biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, The Economist kết luận, đạt được nhất trí về các khỏan đầu tư để đối phó với  hiện tượng biến đổi khí hậu là điều mà các nước nghèo đặc biệt quan tâm tại Hội nghị Copenhagen tới đây. Nhưng thỏa thuận như thế nào và họ sẽ thúc đẩy việc này ra sao lại là một chuyện khác.

Trung quốc thắt chặt thông tin sát ngày Quốc khánh

Về thời sự châu Á, L’Expresse có bài viết về Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt Internet. Việc kiểm sóat thông tin của Trung Quốc không còn là điều gì mới mẻ cả. Nhưng tờ báo nhận thấy là càng gần đến ngày Quốc khánh lần thứ 60, Bắc Kinh càng giám sát chặt hơn internet và những nhà bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Khẩu hiệu lúc này ở Trung Quốc : «  Ổn định là ưu tiên số1 ».

Như là một mệnh lệnh, khẩu hiệu được cụ thể hóa bằng việc trấn áp mọi mặt đối với các tổ chức phi chính phủ, tăng cường kiểm sóat internet. Từ tháng 8 tới nay chính quyền đã tiến hành một chiến dịch bắt những người có tiếng nói ly khai, cấm một lọat các trang Blog trong đó có Blog của Ái Vệ Vệ, một nghệ sĩ nổi tiếng từng lên tiếng bênh vực cho những nạn nhân trận động đất ở Tứ Xuyên. Theo bài báo thì hiện tại cơ quan tuyên giáo của Đảng đã chỉ đạo thông tin đại chúng không được đề cập đến những chủ đề nhạy cảm trong dịp lễ Quốc khánh 01 tháng 10. Cuối cùng bài báo đặt câu hỏi, hành động lên gân này chỉ mang tính tình huống hay nó thể hiện quyết tâm tăng cường uy tín của đảng Cộng sản ?

Truyền thông báo chí đối với  các nguyên thủ Pháp

Liên quan đến nước Pháp L’Expresse tuần này chạy tựa lớn trên trang bìa « Những chuyện thao túng của điện Elysée ». Tờ báo có bài phóng sự điều tra về vấn đề thông tin truyền thông và báo chí và vai trò của các cuộc thăm dò dư luận đối với phủ tổng thống Pháp. Bài điều tra của L’Expresse muốn trả lời các câu hỏi như các cựu thổng thống Pháp như Francois Mitterand, Jacques Chirac  rồi đến giờ là Nikolas Sarkozy đã kiểm sóat hình ảnh cũng như các phát ngôn của mình ra sao ?  Mỗi đời tổng thống đều có một chiến lược truyền thông cho bộ máy của mình. Nói thao túng thì hơi quá, nhưng rõ ràng là tất cả các họat động giao tiếp truyền thông, từng cử chỉ câu nói của các vị tổng thống Pháp đều được chăm sóc rất kỹ lưỡng và thậm chí được dàn dựng có chủ đích.

Ông Obama đang phải chống chọi với sự phản đối cải cách y tế.

Le Nouvel Observateur tuần này vẫn tiếp tục khai thác đề tài này trên khía cạnh kinh tế. Tờ báo nhận thấy năm 1993 cựu tổng thống Bill Clinton đã từng thất bại với dự định cải cách hệ thống y tế vì nó quá tốn kém. Đến nay, ông Obama đã đặt cược tương lai chính trị của mình vào dự án đang gây phản đối dữ dội của phe đối lập và làm phân hóa người dân Mỹ.

Lao vào cuộc cải cách này, ông Obama phải đối mặt với thách thức cực kỳ lớn, nếu thất bại sẽ là một tai họa lớn cho uy tín chính trị của tổng thống Mỹ.

Bài báo cũng đưa ra giải  thích lý do vì sao mà người dân Mỹ vẫn ngần ngại không muốn cải cách hệ thống y tế. Đó là bởi vì 30% người Mỹ vẫn được hưởng bảo hiểm của chính phủ, còn lại rất đông thì vẫn hài lòng với phần bảo hiểm được chủ hãng làm việc của họ đóng góp. Người Mỹ lo ngại cuộc cải cách này sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách nhà nước mà việc này sẽ có ảnh hưởng ngay tới những người đang hưởng bảo hiểm.

Sau khi đi vào phân tích giải đáp những câu hỏi xung quanh các bước tiến hành công cuộc cải cách tốn kém này. Bài báo khẳng định dù sau thì cũng phải kết luận hồ sơ này trước khi kết thúc năm nay. Ông Obama hiểu được rằng ông đang quyết tâm theo đuổi cuộc cải cách mà trong vòng 75 năm trở lại đây không một tổng thống nào làm được.

Rạp chiếu phim hình ảnh nổi 3 chiều sắp trở thành phổ biến

Le Nouvel Observateur đưa tin phim hình ảnh nổi đang trở thành cứu cánh của điện ảnh Hollywood. Vào mùa hè tới, các rạp chiếu phim rồi đến truyền hình nổi sẽ xuất hiện Ngành công nghiệp giải trí đang tính chuyện tận dụng công nghệ 3 chiều để chinh phục khán giả.

Theo tờ báo thì từ cách đây 3 năm, những nhà khai thác điện ảnh đã dự tính sẽ phải thích nghi với công nghệ mới hình ảnh 3 chiều, nhưng chỉ vài tháng trở lại đây, họ mới bắt đầu tăng tốc. Các rạp chiếu bóng ở các nước đang hối hả tiếp cận với cộng nghệ mới này. Chỉ trong vài năm tới, các rạp chiếu phim nổi sẽ không còn là hiếm hoi nữa và nó sẽ làm tăng thêm 30% lượng khán giả đến rạp xem phim.