Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

PHÁP

Đưa Albert Camus vào điện Panthéon, một đề nghị gây tranh cãi

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 21/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  21/11/2009 17:02 TU

Văn sĩ Albert Camus DR

Văn sĩ Albert Camus
DR

Tổng thống Pháp đề nghị đưa tro của văn hào Albert Camus vào điện Panthéon, nhân dịp ngày giỗ lần thứ 50 của tác giả của La Peste hay L’Etranger. Ông Sarkozy muốn mượn danh của nhà văn giải Nobel Văn học để tô điểm cho đường lối lãnh đạo của mình ?

Chiều thứ năm vừa qua (19/11), bên lề cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles, tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, đã đề nghị đưa tro của văn hào Albert Camus vào điện Panthéon, nhân dịp ngày giỗ lần thứ 50 của tác giả của nhiều quyển tiểu thuyết nổi tiếng thế giới như La Peste (« Dịch hạch ») hay L’Etranger « Người Xa lạ ».

Liền tức khắc lời đề nghị trên đây gây ra một cuộc tranh cãi giữa một bên là những người tố cáo ông Sarkozy muốn mượn danh của nhà văn giải Nobel Văn học để tô điểm cho đường lối lãnh đạo của mình và bên kia những người nhận địng rằng văn hào của nhiều tác phẩm nổi tiếng rất xứng đáng được đưa vào Panthéon, nơi an nghỉ của nhiều nhân vật lẫy lừng của Pháp.

Trên phụ trang văn hóa, tờ Le Figaro cho rằng Albert Camus là « nhà văn lý tưởng để đi vào điện Panthéon vì ông là tác giả được thế giới biết đến … một gương mặt đáng phục trong lịch sử của hai nước Pháp và Angiêri và tiếng tăm của ông không ngừng gia tăng từ sau khi ông tử nạn xe hơi ngày 4 tháng 1 năm 1960 ».

Báo Le Figaro nhắc lại là mỗi tổng thống đều muốn để lại một dấu ấn về mặt văn hóa như tổng thống Jacques Chirac đã đưa hai nhà văn André Malraux và Alexandre Dumas vào Panthéon.

Đối với tờ Libération, « Albert Camus, tác giả của cuốn  L’homme révolté là một người nổi loạn, một nhà tư tưởng luôn coi trọng quyền tự do tư duy". Cho nên ông không thể hài lòng về "cử chỉ của phủ tổng thống Pháp muốn lợi dụng uy tín của nhà văn ».

Trong khi đó báo Le Monde nhắc lại lời nói của ông Sarkozy khi ông tuyên bố « Vì Albert Camus mà mỗi lần tôi sang Angiêri tôi cứ tiếc là đã không được sinh ra tại vùng Bắc Phi ».

Vẫn theo Le Monde tổng thống Pháp còn cho biết là trong chuyến công du Angiêri vừa qua, ông đã yêu cầu được đến bãi biển Tipasa, nơi mà, trong cuốn « Người Xa lạ », nhân vật Meursault đã bắn chết một người Angiêri.

Dù sao đi nữa thì để thực hiện được điều mong muốn, ông Sarkozy phải chờ có sự chấp thuận của gia đình nhà văn Camus.

Một tờ báo địa phương, tờ le Dauphiné Libéré, đã mỉa mai rằng « Albert Camus sẽ là chiến lợi phẩm tương lai của ông Sarkozy trong một chính sách cởi mở, thách thức cả thời gian ».

Còn nhà văn kiêm nhà báo Olivier Todd, tác giả cuốn tiểu sử về Albert Camus, đã tố cáo là tổng thống Sarkozy muốn lợi dụng uy tín của các nhà trí thức Pháp.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Le Monde, ông Todd tuyên bố : « Biến Albert Camus thành một thần tượng thoát xác không phải là một cách tôn vinh nhà văn. Hãy để Camus tiếp tục sống trong sự phức tạp và các mâu thuẫn của ông ».

Lúc còn sống hai ông Jean-Paul Sartre và Albert Camus nổi tiếng trong giới trí thức qua quan hệ vừa là bạn vừa là thù của nhau. Do vậy mà một bài báo trên tờ Libération nêu câu hỏi : « Vậy tại sao không đưa luôn Sartre vào Panthéon ? ».

Thierry Henry tiếp tục bị chế nhạo

Một nhân vật khác của Pháp,  còn sống, đang nổi tiếng thế giới, đó là cầu thủ bóng đá Thierry Henry.

Trên trang nhất của tờ Libération, bên cạnh tấm ảnh của Albert Camus là tấm ảnh của Thierry Henry đi kèm với hàng tựa, mô tả anh là « Trò cười trên Internet ». Lý do là vì một trò chơi video mới vừa xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu. Đó là làm cách nào ghi được nhiều bàn nhất với hai bàn tay.

Nhật báo thể thao L’Equipe nhận định là chỉ trong vòng hai ngày « cầu thủ phá lưới tài ba nhất của đội tuyển Pháp trở thành biểu tượng của một vụ gian lận  và của một sự phi đạo dức ». Rồi tờ báo phản đối với một hàng tựa đậm « Anh không đáng phải gánh chịu mọi chuyện như vậy ».

Sau trận đấu Pháp/Ai Len chính Thierry Henry đã công nhận rằng « cầu thủ Ai Len giỏi hơn và xứng đáng được đi Nam Phi ». Nhưng ai nấy đều biết là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA đã quyết định là sẽ không có một trận đấu khác và sẽ không trở lại trên sai lầm của trọng tài.

Đấy là khía cạnh của vấn đề được tờ Le Figaro nhấn mạnh trong hàng tựa và tờ báo đánh giá là người ta đã làm to chuyện chung quanh một việc không đáng gì cả.

Hai lãnh đạo mờ nhạt của Liên Hiệp Châu Âu

Hai nhân vật vừa được chỉ định để đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị chỉ trích. Trang nhất của tờ L’Humanité đăng ảnh của ba người : ông Van Rompuy, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, bà Ashton, người đứng đầu nền ngoại giao Âu châu và ông Barroso, chủ tịch Ủy ban châu Âu. Dưới tấm ảnh, tờ báo chạy hàng tựa thất lớn : « Ba chú hề của châu Âu », và tờ báo giải thích rằng « Hiệp ước Lisboa đã sản sinh ra hai nhân vật không một ai biết đến và đó là thắng lợi ở mọi cấp của chủ nghĩa tự do kinh tế».

Một cách rất ngoại giao, báo Le Monde đã nhắn với hai người vừa được đề cử để đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu là họ sẽ phải làm nhiều cố gắng để áp đặt uy thế của họ.

Penang, hòn đảo của một xã hội hài hòa                      

Về châu Á, hôm nay tờ La Croix giới thiệu Penang, một hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc Malaysia mà, theo tờ báo, từ hơn hai thế kỷ qua nhiều cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau đã sống hài hòa với nhau trong sự thịnh vượng.

Dưới một tấm ảnh chụp một ngôi chùa Phật giáo của cộng đồng người Hoa, bài báo trên La Croix cho biết là tại Peanang cuộc sống diễn ra trong một bầu không khí ôn hòa giữa những nhà buôn Tamul đến từ ấn Độ, những thuỷ thủ Hồi giáo đến từ Aceh, những doanh nhân Công giáo đến từ Acmênia, những thợ thủ công Phật giáo đến từ Trung Quốc, những con cháu của tần lớp thực dân Anh xưa kia và những người đến từ Miến Điện hay đảo Java.

Báo La Croix nhắc lại là xưa kia đảo Penang là trung tâm của nền thương mại hàng hải giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giữa châu Âu và vùng Viễn Đông.

Kháng cự bằng tiếng cười tại Miến Điện

Cả trang ba của tờ Le Monde hôm nay giới thiệu hai gương mặt mà tờ báo gọi là « Cái cười kháng cự tại Miến Điện ». Đó là hai anh em có tên là « Moustache Brothers » (« Hai anh em râu xồm ») nổi tiếng từ trong đến ngoài nước vì họ dám sử dụng tiếng cười để thách thức tập đoàn lãnh đạo.

Mặc dù đã từng bị ngổi tù trong mấy năm liền, anh em ông Par Par Lay đã dựng những vở hài kịch để chế nhạo các tương lãnh đứng đầu Miến Điện.

Giờ đây mỗi tối anh em Moustache Brothers diễn xuất tại một căn nhà nhỏ hẹp dành riêng cho du khách ngoại quốc và, khi màn trình diễn kết thúc, họ mời khán giả khi trở về xứ hãy huy động dân chúng để ủng hộ nhân dân Miến Điện.

Câu chuyện cười mà họ thích kể nhất là : « Lần đó răng của tôi bị nhức quá, tôi phải đi qua Bangkok tìm đến một nha sĩ. Nha sĩ này hỏi tôi : « Tại sao ông phải đi xa như vậy để chữa răng ? » Và tôi đã trả lời : « Dạ thưa là tại vì ở xứ Miến Điện của tôi, dân chúng không được phép mở miệng ! ».