Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

AFGHANISTAN

Chín năm sau, chiến tranh Afghanistan càng đẫm máu hơn đối với quân đồng minh

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 02/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  02/01/2010 16:27 TU

Lính Mỹ phát bánh kẹo cho trẻ em Afghanistan tại một ngôi làng ở tỉnh Khost ngày 23/12.Reuters

Lính Mỹ phát bánh kẹo cho trẻ em Afghanistan tại một ngôi làng ở tỉnh Khost ngày 23/12.
Reuters

Sự kiện hai nhà báo Pháp bị bắt cóc tại Afghanistan ngày 31/12/09 được báo chí hôm nay đưa lên trang nhất. Đây là hai phóng viên của đài truyền hình Nhà nước France 3. Theo ban giám đốc đài này, họ còn sống và vẫn mạnh khoẻ.

Đối với tờ Le Figaro, vụ bắt cóc này nối dài thêm danh sách các tin xấu đã xảy ra tại Afghanistan cho dân chúng địa phương và cho các lực lượng đồng minh Tây phương.

Từ năm 2001, nghĩa là từ khi lực lượng đồng minh đặt chân đến Afghanistan, chưa bao giờ số người chết trong hàng ngũ đồng minh lại lên cao đến như thế : 512 người thiệt mạng trong năm 2009, so với con số 295 trong năm 2008.

Như vậy là tại Afghanistan năm 2009 đã kết thúc một cách đẫm máu : trước đó tại miền Nam, một nữ phóng viên người Canada đã thiệt mạng cùng với bốn quân nhân trong một chiếc xe bọc thép đã phát nổ trên con đường dẫn tới Kandahar.

Về phía thường dân, năm người Afghanistan, đã thiệt mạng trong vụ nổ của một chiếc xe buýt tại tỉnh Badghis. Còn thứ năm vừa qua, tại tỉnh Oruzgan, quân Taliban đã chặt đầu sáu người đàn ông cũng thuộc phe Taliban nhưng bị xem là có thái độ thiếu cứng rắn và có thể làm gián điệp cho phương Tây.

Trong bài xã luận, báo Le Figaro cho rằng với con số thiệt hại nhân mạng hiện nay trong hàng ngũ lực lượng Tây phương, việc so sánh chiến tranh Afghanistan với chiến tranh Việt Nam còn hơi quá đáng. Tuy nhiên, tờ báo tự hỏi là ông Obama và các đồng minh của ông sẽ làm cách nào để thoát ra khỏi một cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt.

Ngay từ năm 2001, khi chiến tranh mới bắt đầu, người ta không ngừng tuyên bố rằng giải pháp chỉ có thể mang tính chất chính trị mà thôi. Thế nhưng đàm phán với ai ? Vì Afghanistan không phải là Irak và Afghanistan không quen được điều hành bởi một Nhà nước. Một số người còn khẳng định Afghanistan không phải là một quốc gia theo nghĩa thông thường.

Hoa Kỳ cũng không thể trông chờ vào chính phủ của ông Hamid Karzai, một lãnh đạo vừa tham nhũng vừa không có nhiều quyền lực. Dù sao đi nữa, thời hạn mà ông Obama đưa ra để bắt đầu rút quân ra khỏi Afghanistan vào năm 2011 bị Le Figaro đánh giá là hão huyền. Trừ phi tổng thống Mỹ quyết định từ bỏ chiến trường Afghanistan.

 Số phận của Afghanistan nằm tại Kandahar 

Trong khi đó, trên tờ Le Monde, một bài phân tích cho rằng số phận của Afghanistan được quyết định trước tiên tại vùng Kandahar ở miền Nam, chứ không phải tại thủ đô Kaboul, nơi tập trung các bộ não chỉ huy các lực lượng dân sự và quân sự quốc tế được gửi đến Afghanistan để chống các nhóm phiến loạn và để giúp tái thiết đất nước.

Theo Le Monde, lý do là vì Kandahar, một khu vực thuộc sắc tộc Pashtun, là thảnh trì lịch sử của quân Taliban, đồng thời cũng là quê hương của gia đình ông Hamid Karzai, tổng thống Afghanistan. Từ tám năm qua, lực lượng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương liên tiếp bị đánh bật ra khỏi các vùng ở phía Nam, hiện nay do quân Taliban kiểm soát.

Bài phân tích trên tờ Le Monde nhận thấy là lịch sử đã chứng minh rằng để chiến thắng tại Afghanistan thì phải kiểm soát được các vùng nông thôn ở Kandahar. Người Anh đã học được bài học này trong cuộc chiến tranh giữa Anh Quốc và Afghanistan vào cuối thế kỷ 19 và Liên Xô cũng đã tiếp thu được bài học này.

 CIA rơi vào bẫy của kẻ thù đang bị truy lùng   

Cũng về tình hình Afghanistan, báo Libération nhấn mạnh trên sự kiện cơ quan tình báo Mỹ, CIA, truy lùng một thủ lĩnh hồi giáo cực đoan, Jalaluddin Haqqani, bị nghi ngờ là tác giả vụ khủng bố tự sát đã gây ra cái chết của bảy nhân viên CIA.

Trong bài phân tích, Libération nhắc lại một điều trớ trêu là trong thời kỳ kháng chiến Afghanistan chống quân Liên Xô, Jalaluddin Haqqani là con cưng của CIA vì tình báo Mỹ nhận thấy ở tay này một nhà lãnh đạo quân sự tài ba và đã chi ra hàng triệu đôla để yểm trợ cuộc đấu tranh của Haqqani chống quân đội Liên Xô từ năm 1980 đến năm 1988. Năm 1995, Haqqani gia nhập hàng ngũ taliban và trở thành một người thân cận của Ousama ben Laden. Từ lúc đó, Haqqani biến thành kẻ thù số một của quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Theo tờ Libération, nhiệm vụ chính của CIA tại căn cứ quân sự Khost, gần biên giới Pakistan, là truy lùng và thủ tiêu thủ lĩnh Haqqani, thuộc sắc tộc Pashtun, mà tổng hành dinh đặt ở phía bên kia biên giới. Nào ngờ con mồi đã hạ thủ thợ săn. Đó là nội dung của hàng tựa lớn trên tờ Libération.

Đối với Hoa Kỳ đây là một đòn rất đau vì chính từ căn cứ quân sự này mà các chuyên gia của CIA đã vạch ra các mục tiêu cho loại máy bay không người lái để truy nã quân taliban và Al-Qaida ở Pakistan và Afghanistan.

 Giỗ 50 năm nhà văn Albert Camus, giải Nobel Văn học

 Cách nay 50 năm, ngày 4 tháng giêng năm 1960, nhà văn Albert Camus đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi, thọ 46 tuổi. Nhân dịp này, phụ trang văn hóa của báo Libération đã thực hiện một hồ sơ đặc biệt 7 trang mang tựa đề : « Camus, người nổi loạn cô đơn ».

Albert Camus được xem là đứa con của Algérie vì ông sinh ra và trải qua thời niên thiếu tại nước này. Mặc dù được giải Nobel Văn học năm 1957, nhưng sinh thời, Albert Camus không được một số đồng nghiệp chấp nhận, một phần vì lập trường chính trị của ông và một phần vì ông bị đánh giá là một người thích rao giảng đạo đức.

Khi xảy ra cuộc chiến tranh giành độc lập cho Algérie, Albert bị giới văn nghệ sĩ thiên tả Pháp vào thời đó chỉ trích là ông không chịu đứng về phía những người ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Algérie. Năm 1957, vào lúc đang diễn ra cuộc chiến tranh Algérie, ông đã tuyên bố « Hiện nay người ta ném bom vào các tàu điện ở Alger. Mẹ tôi có thể có mặt trong một trong những tàu điện đó. Nếu đó là công lý, thì tôi chọn mẹ tôi ».

Câu này đã được nhiều người truyền miệng và nó trở thành « Giữa công lý và mẹ tôi, tôi chọn mẹ tôi ». Đối với báo Libération, Camus không đối chiếu công lý với quê hương mà thực chất ông lên án hành động khủng bố.